Thông Trận - Sư cả uy tín trong cộng đồng người Chăm ở Lâm Giang

(Mặt trận) -Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng với nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, am hiểu phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, nên sư cả Thông Trận luôn được bà con trong thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cậy nhờ, yêu mến.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Sư cả Thông Trận

Thôn Lâm Giang có 7 tổ tự quản với hơn 670 hộ, trong đó khoảng 85% là đồng bào Chăm. Cuộc sống người dân còn nhiều vất vả, khi đa số làm nông, một số ít làm ở các công ty tại các khu công nghiệp của tỉnh. Trong những năm qua, để phát huy tính đoàn kết và nội lực vươn lên của mỗi người dân, sư cả Thông Trận luôn phối hợp với Ban điều hành thôn tuyên truyền, giải thích để người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự nghiên cứu tìm hiểu, chuyển đổi cây trồng, con nuôi phù hợp; giúp nhau vốn và kinh nghiệm trong sản xuất thanh long. Cùng với đó, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Sư cả Thông Trận hiểu rằng, nông thôn mới phải bắt đầu từ dân và chính họ là người hưởng thành quả đó. Rõ nhất từ câu chuyện đường giao thông nông thôn, nếu không được mở rộng, bê tông xi măng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vận chuyển nông sản, chi phí đi lại sản xuất tăng lên. Việc đóng góp làm đường cũng được linh hoạt, chia từng đợt, góp công hay miễn giảm với từng trường hợp hộ nghèo. Bởi thế từ năm 2016 đến nay, người dân trong thôn đồng lòng thực hiện gần 1,4 km đường bê tông tại các tuyến tổ 1, 4, 5, 6, trong đó kinh phí huy động nhân dân 364 triệu đồng. Ngoài ra, mở rộng lắp đặt đèn chiếu sáng an ninh tại các khu dân cư. Hiện các tuyến bê tông xi măng trên địa bàn thôn đã lắp số lượng 174 bóng, kinh phí 197 triệu đồng từ nhân dân đóng góp.

Ông Thông Minh Đồng - Trưởng thôn Lâm Giang cho biết: Trước đây, tình hình an ninh trật tự trong thôn tương đối phức tạp, nhất là tình trạng thanh niên tụ tập, mâu thuẫn dẫn tới đánh nhau gây thương tích. Có những vụ việc bắt nguồn từ xích mích rất nhỏ, nhưng do thiếu kiềm chế và thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới đánh nhau, gây mất đoàn kết tình làng, nghĩa xóm. Năm 2019, được sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và Công an xã thành lập mô hình “Chức sắc, tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, với 27 thành viên. Là tổ trưởng mô hình, sư cả Thông Trận thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên. Yêu cầu các thầy, chức sắc vận động con cháu, người thân, họ hàng trong dòng tộc chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều vụ việc mâu thuẫn được sư cả cùng Ban điều hành thôn xuống tận nơi để hòa giải, giải thích. Nhờ vậy được giải quyết dứt điểm, không để âm ỉ kéo dài gây mất đoàn kết hay xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật. 

Nếp sống mới, văn minh còn hiện hữu ở trong thói quen sinh hoạt của từng gia đình. Đó là chăn nuôi gia súc tập trung ở xa khu dân cư, là không xả nước thải, rác thải ra đường, là giảm thời gian và các nghi lễ không cần thiết trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhiều tuyến đường trong khu dân cư và bãi đất trống trước sân nhà giờ đã phủ một màu vàng của hoa hoàng yến, hoa mười giờ. Công tác giáo dục cũng được coi trọng hơn, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường…

Với những đóng góp của mình, sư cả Thông Trận đã được khen thưởng từ các cấp, ngành của tỉnh đến địa phương.

 Thùy Linh