Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đồng bào DTTS ở Kon Tum vươn lên thoát nghèo bền vững: Triển khai nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả

(Mặt trận) -Qua gần 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tạo được sự chuyển biến trên các mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được triển khai, nhân rộng, giúp cho đồng bào DTTS đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững đúng như mục tiêu của Cuộc vận động đưa ra.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Phát huy vai trò của đảng viên, Người có uy tín

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, toàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 565 mô hình để hỗ trợ 12.713 hộ DTTS nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất. Trong quá trình triển khai các mô hình, các chi bộ thôn, làng đã rà soát, phân công hơn 12.000 đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và hướng dẫn, tư vấn giúp các hộ nghèo, cận nghèo DTTS thay đổi phương thức sản xuất.

 Nhờ có đảng viên giúp đỡ, vợ chồng A Biên ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei có nguồn thu nhập ổn định từ cây cà phê

Anh A Biên (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei chia sẻ, nếu không có sự kết nghĩa, giúp đỡ của đảng viên Xiêng Văn Bức thì gia đình anh sẽ luôn trong cảnh nghèo khó, bởi chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ anh Bức hướng dẫn, đến nay gia đình đã trồng được hơn 1 hecta cà phê, 4 hecta mì và 1 hecta lúa rẫy. Cuộc sống của gia đình đã dần ổn định, các con đều được học hành. Tình cảm anh Bức với gia đình giống như anh em ruột thịt.

“Khi đơn vị phân công kết nghĩa và giúp đỡ hộ gia đình anh A Biên, tôi xác định rõ với vai trò trách nhiệm của đảng viên, xem vợ chồng anh A Biên như anh em ruột thịt trong nhà. Có gì khuất mắc trong gia đình, mình hướng dẫn tháo gỡ và động viên vợ chồng anh Biên chăm sóc cây cà phê phát triển tốt, vì đó là nguồn thu nhập chính của gia đình; động viên các cháu yên tâm học tập, không được bỏ học”, Đại úy Xiêng Văn Bức, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đăk Long, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum chia sẻ.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hòa động viên và tặng quà cho già làng, Người có uy tín ở xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò của hơn 800 Người có uy tín ở các thôn, làng. Bởi Người có uy tín không những làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là tấm gương, là lực lượng nòng cốt góp phần giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Theo ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động vị trí, vai trò của Người có uy tín hết sức quan trọng; giúp cho Cuộc vận động được lan toả, thật sự đi vào đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. 

Cụ thể, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, với vị trí và vai trò của mình, Người có uy tín đã góp phần đáng kể, với kết quả có hơn 49.800 hộ DTTS được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động, hơn 26.780 hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu.

Đồng bào DTTS quyết tâm thay đổi để thoát nghèo

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS. Hơn 50% số hộ DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Gần 50% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình, như: mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen, nuôi ong lấy mật, sản xuất giống lúa ST25, mô hình trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh…

A Phượng (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Kô Xia 2, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Trước đây gia đình không dám vay vốn ngân hàng để sản xuất, vì sợ không trả được. Năm 2021, xã tuyên truyền, vận động thì gia đình đã thay đổi suy nghĩ, phải nỗ lực mới thoát được cái nghèo. Từ đó, gia đình vay 50 triệu đồng, đầu tư trồng 100 cây sâm Ngọc Linh, 05 sào Hồng đẳng sâm. Hằng năm bán Hồng đẳng sâm cũng được trên 30 triệu, sâm Ngọc Linh thì chưa thu hoạch, cuộc sống giờ đã đổi thay, không còn là hộ nghèo.

Thông qua Cuộc vận động, một bộ phận người nghèo là đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. 

 Đi đôi với việc xóa bỏ các hủ tục, đồng bào DTTS đã ý thức được việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Ông A Méo (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết: Ở thôn ngày xưa đau ốm thì làm cái lễ cúng, bây giờ thì bỏ rồi, không còn nữa. Cán bộ xã, đảng viên trong thôn tuyên truyền nên bây giờ đau ốm, là ra Trạm Y tế xã khám, nếu nặng thì chuyển ra Trung tâm Y tế huyện điều trị. Mình phải thay đổi, nếu không thay đổi thì sẽ mãi là hộ nghèo, vì mê tín, kiêng kỵ nhiều quá sẽ không phát triển kinh tế được.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò của đảng viên, Người có uy tín đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên trở thành các hộ khá, hộ giàu và diện mạo nông thôn vùng DTTS ngày càng khởi sắc. Đến cuối năm 2022, có hơn 41% hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo, có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố; 6.115 hộ nghèo là đồng bào DTTS đã thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra từ 3 - 4%/năm. 

Ngọc Chí