Thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Xác định đây là "động lực" phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cơ quan liên quan và các địa phương đã đồng loạt triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của đồng bào.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Tập trung nguồn lực

Yên Bái là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc với dân số gần 85 vạn người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 57%. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào.

Tỉnh ưu tiên bố trí trên 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực với tỷ lệ giảm bình quân trên 4%/năm. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu giảm 3,5% hộ nghèo, 1,22% hộ cận nghèo so với năm 2022.

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I (2021 - 2025), huyện Mù Cang Chải đã thực hiện nhiều dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững... với tổng vốn đầu tư gần 75 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 43,5 tỷ đồng.

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải, nhờ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I, diện mạo của xã Nậm Khắt đã có nhiều đổi thay. Nhiều hộ dân được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, cây, con giống..., tạo động lực để phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Lý A Lâu (bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt) là một hộ nghèo của xã. Trước đây, gia đình anh sống trong căn nhà cũ kỹ, dột nát, không đảm bảo an toàn. Năm 2023, được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà, bằng các nguồn lực khác, gia đình anh đã dựng được một ngôi nhà mới kiên cố. Đây là động lực lớn để gia đình anh ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Anh Lý A Lâu cho biết: “Ngày trước, nhà mình nghèo lắm. Nay được tỉnh, huyện hỗ trợ làm nhà, cùng với nguồn vốn vay ưu đãi mình đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Từ đó, giúp gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc và chăm lo cho con cái. Mình vui lắm và cảm ơn Đảng, Nhà nước”.

Theo ông Thào A Phềnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), đối với những hộ đang thiếu hụt con giống, nhà ở, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã mang lại ý nghĩa quan trọng cho người dân, thúc đẩy các gia đình có chí hướng phấn đấu phát triển kinh tế cũng như sản xuất, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các dự án của Chương trình, tỉnh Yên Bái gặp khó khăn, vướng mắc trong việc chậm giải ngân nguồn vốn, cần có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ông Đỗ Quang Vịnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay, tổng ngồn vốn của Trung ương giao là 592 tỷ đồng. Tỉnh mới giao đủ điều kiện để thực hiện là 315 tỷ đồng. Do vậy, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch của tỉnh mới được 28%, theo kế hoạch Trung ương giao mới đạt trên 15%. Để tháo gỡ khó khăn, ông Đỗ Quang Vịnh đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại Quyết định 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, cũng như một số hướng dẫn của các bộ, ngành. Như vậy, khó khăn mới được tháo gỡ để địa phương thực hiện Chương trình hiệu quả trong thời gian tới.

 Bà Giàng Thị Chợ (dân tộc Mông) tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để chuyển đổi giống cây trồng. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Trao cơ hội thoát nghèo

Đắk Lắk hiện có 130 xã ở 15 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đồng bào dân tộc DTTS&MN; trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I với 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,75%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,5% (so với năm 2022).

Triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 - 2030, tại Đắk Lắk đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, DTTS và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo…

Cư Pui là xã vùng III của huyện Krông Bông, với dân số hơn 15.000 người, trong đó đồng bào DTTS  chiếm khoảng 90%. Đất đai nơi đây khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, địa phương đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, bình xét, lựa chọn các đối tượng. Qua kết quả bước đầu, sau hơn một năm triển khai đến nay, đã có 128 hộ được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Bà Giàng Thị Chợ (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) có hơn một ha đất trước đây trồng cây mì nhưng đất canh tác nhiều năm đã xói mòn, không mang lại hiệu quả. Cuối năm 2022, niềm vui đến với bà khi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó, bà đã đầu tư khoảng 10.000 cây keo. Sau một năm, cây keo được bà chăm sóc, phát triển tốt. Bà Giàng Thị Chợ chia sẻ: “Trước kia, không có tiền, tôi không biết làm sao. Sau khi vay được tiền theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, tôi mua cây giống. Cảm ơn chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách đã hỗ trợ để người nghèo được vay vốn”.

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, Hội, đoàn thể nhận ủy thác tiến hành rà soát các đối tượng thụ hưởng và nhu cầu vốn vay. Qua đó, người dân được vay vốn phù hợp sinh kế, phát huy hiệu quả, tạo điều kiện vươn lên. Sau hơn một năm triển khai đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân đạt hơn 58 tỷ đồng, với trên 1.070 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP. Trong đó, 96 hộ được hỗ trợ xây, sửa nhà; 54 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 924 trường hợp được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nguồn vốn đến với người dân nhanh chóng, tạo điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc phối hợp rà soát các đối tượng cụ thể cơ bản chậm so với kế hoạch.

Thời gian tới, Chi nhánh cố gắng đẩy nhanh tốc độ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị rà soát các đối tượng, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời để bà con tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.

Nhằm tăng hiệu quả thực hiện Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thiện thủ tục cần thiết để thực hiện và giải ngân vốn thuộc Chương trình; chỉ đạo các địa phương triển khai hoạt động đầu tư đảm bảo kế hoạch.

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ xem xét, quy định về việc thực hiện phân định đối với các xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào DTTS&MN để địa phương làm cơ sở xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách phù hợp. Chính phủ xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu theo hướng cho phép địa phương lựa chọn nội dung, dự án thành phần có nhu cầu bức xúc, cấp thiết đầu tư để triển khai, đảm bảo lộ trình và phù hợp số vốn được giao nhằm tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả Chương trình.

Các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tại nhiều vùng, miền trong cả nước.

Tuấn Anh - Việt Dũng - Nguyên Dung (TTXVN)