Thanh Hóa: Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông

(Mặt trận) -Thanh Hóa có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 44 bản thuộc 10 xã (trong đó có 7 xã biên giới) của 3 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn với trên 18.465 nhân khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc Mông đã từng bước khởi sắc, nhưng với vị trí địa lý, địa hình dân cư, nên đời sống của đồng bào Mông vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tập quán lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của nhiều người, nhất là các nghi thức tang lễ khi có người qua đời.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Huyện Quan Hóa có 2 bản có đồng bào Mông sinh sống là Suối Tôn (Phú Sơn) và Buốc Hiềng (Trung Thành), với 80 hộ, 465 nhân khẩu. Thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, thời gian qua huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định, trong đó nòng cốt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín làm gương cho các hộ đồng bào Mông làm theo. Với sự vào cuộc tích cực từ huyện đến xã và cán bộ bản, đến nay đồng bào dân tộc Mông của 2 bản Suối Tôn, Buốc Hiềng đã từng bước thay đổi về nhận thức đã hủy bỏ các hủ tục. Người chết được đưa vào quan tài, không để quá lâu, thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của thôn, bản. Từ năm 2016 đến 2021, hai bản trên có 7 người qua đời thì có 6/7 đám được thực hiện theo nghi thức tang lễ mới. Hiện 2 bản đã quy hoạch khu nghĩa địa tập trung.

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, căn cứ Kế hoạch số 60 của tỉnh, hằng năm Ban Dân tộc tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông đến tất cả các huyện, xã và 44 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn mở được 5 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông cho trên 1.100 người là cán bộ chủ chốt cấp xã và đồng bào dân tộc Mông. Nội dung tuyên truyền tập trung các chuyên đề, như: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng làng, bản văn hóa; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đảng, Nhà nước về đấu tranh chống thành lập “Nhà nước Mông”; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống ma túy; di cư tự do, truyền đạo và phát triển đạo trái pháp luật; thực hiện xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng hương ước, quy ước văn hóa tại vùng đồng bào Mông và một số vấn đề về tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông...

Qua đó, tạo sự thay đổi về nhận thức, niềm tin của đồng bào Mông trong thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ; từ đó tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Khánh Linh