Thanh Hóa tích cực chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Từ thực hiện các chương trình đầu tư phát triển theo chính sách dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã giảm được hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều hộ đang vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn đang đối mặt với những khó khăn thách thức .

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Người H'Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa thu hoạch nông sản

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi trong tỉnh Thanh Hóa đạt trên 80.000 tỷ đồng. Riêng chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg; chính sách vay vốn; chính sách đối với Người có uy tín; các đề án tuyên truyền chính sách, pháp luật cho vùng DTTS được phân bổ gần 2.800 tỷ đồng... Toàn tỉnh đã có  gần 100 nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón các loại. Hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg được hơn 1,2 triệu nhân khẩu ở các hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho gần 5 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất,…
Từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo thành công và đang từng bước làm giàu. Ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Vân Tiến, xã Cát Vân, huyện Như Xuân, cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng chính sách, ông đã đầu tư mô hình kinh tế rừng- ao- chuồng, gồm: trồng cây keo, cao su, luồng, đào ao nuôi cá, xây chuồng trại nuôi bò sinh sản, dê, đồng thời trồng thêm một số loại cây ăn quả như thanh long, cam, bưởi. Tổng diện tích cho các loại hình sản xuất này là 5ha. Từ thành công bước đầu, gia đình ông đã có của ăn của đề và tiếp tục mở rộng sản xuất. Đến nay, trang trại của ông Tuấn đã mở rộng lên 60 ha, trong đó một phần lớn diện tích ông trồng cao su, lát, keo, luồng; một phần trồng thanh long, cây ăn trái, còn lại 5 ha nuôi cá. Doanh thu mỗi năm đạt tiền tỷ, ông Tuấn về lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ thực hiện các chương trình đầu tư, hỗ trợ theo chính sách dân tộc, những năm qua đã có nhiều hộ dân tộc thiếu số thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa bình quân mỗi năm giảm 4,62%; trong đó 100 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc miền núi đã giảm được 6,84%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,82%/năm.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách cho người có uy tín luôn được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Đội ngũ người có uy tín của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là những nhân tố tích cực, luôn đi đầu, chủ động trong việc tuyên truyền người dân, cộng đồng hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn trật tự an ninh tại cơ sở…

Riêng năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, 11 huyện miền núi triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đạt kết quả tích cực. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,6%; có 650/1.519 thôn, bản có câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đạt 42,8%; tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 92,6%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,5%; cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, 100% trường THCS, THPT có phòng học kiên cố; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội và di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông cơ bản ổn định. Các chương trình, dự án, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh được tập trung triển khai hiệu quả.
Hiện Thanh Hóa đang tập trung cụ thể hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó, tổng vốn phân bổ năm 2022 trên 412,2 tỷ đồng. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quôc gia; ban hành các văn bản hướng dẫn gửi các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia…

Mặc dù đạt được những bước tiến về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi nhưng hiện nay tỉnh Thanh Hóa vẫn đang đối mặt với những thách thức như: Vùng DTTS và miền núi là khu vực khó khăn nhất tỉnh, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém; đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế cả về năng lực chỉ đạo và chuyên môn; trình độ dân trí còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao hơn 2 lần so với bình quân chung của tỉnh, hiện có 46.272 hộ nghèo/232.311 hộ, chiếm tỷ lệ 19,9%; còn 36 thôn, bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 07 huyện miền núi chưa có điện lưới quốc gia. Ngoài ra, một số quy định của Trung ương về chính sách hỗ trợ còn chưa thống nhất, hệ thống văn bản hướng dẫn còn chậm được ban hành; một số hướng dẫn chưa quy định cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và của các cấp không tách riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối với người dân tộc thiểu số, gây khó khăn trong quá trình thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, tham mưu thực hiện nhiệm vụ…/.

A.L