Thanh Hóa: Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Chương trình 1719) là 1 trong 3 chương trình MTQG đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ việc triển khai thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình 1719 đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực vùng đồng bào DTTS&MN, đảm bảo cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần, đời sống đồng bào dần nâng lên.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Gia đình chị Lê Thị Hường nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở

Ấm lòng đồng bào nghèo

Trên những nẻo đường miền Tây xứ Thanh, tôi cảm nhận được sự đổi thay, vươn lên của đồng bào, của mỗi bản, làng. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện từ huyện đến thôn, bản đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực thi đua, lao động sản xuất. Việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; làm nhà ở; cây, con giống, cung cấp dụng cụ sản xuất nông nghiệp... đến những công trình lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ở mỗi thôn, bản, địa phương thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước đã góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Lê Thị Hường (sinh năm 1988) ở thôn 5, xã Cán Khê (Như Thanh) có 4 nhân khẩu, là hộ nghèo, chưa có nhà ở kiên cố. Bản thân chị thuộc đối tượng khuyết tật trí tuệ đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị Hường cũng như từ nguyện vọng của gia đình, cấp ủy, chính quyền, ban quản lý thôn 5 đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ làm nhà ở cho gia đình chị. Năm 2024, xã Cán Khê có 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc Chương trình 1719 và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Chỉ thị 22). Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 1719, Chỉ thị 22 với tổng số tiền 80 triệu đồng và sự giúp đỡ của người thân, gia đình chị đã xây dựng ngôi nhà cấp 4. Đến cuối tháng 10/2024 ngôi nhà đã hoàn thành với diện tích 70m2, tổng trị giá gần 200 triệu đồng.

Nếu như gia đình chị Lê Thị Hường có nhà mới để ở, thì gia đình anh Lù A Dính ở bản Suối Hộc, xã Trung Lý (Mường Lát) lại có niềm vui khi được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị chứa nước (téc nước) phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình theo nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào nghèo DTTS thuộc Chương trình 1719. Không chỉ riêng gia đình anh Lù A Dính mà nhiều hộ dân ở Suối Hộc cũng đã được Nhà nước hỗ trợ téc nước. Bản Suối Hộc phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo, vì vậy người dân không đủ khả năng để đầu tư hệ thống nước sinh hoạt. Được hỗ trợ thiết bị chứa nước, bà con Suối Hộc đảm bảo điều kiện sinh hoạt hàng ngày, từ đó yên tâm lao động, sản xuất.

Mới đây, ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi (Mường Lát) tổ cộng đồng bản gồm 29 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà đen H’Mông thương phẩm thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình 1719 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trưởng bản Hua Pù Chá Chá Pó, đại diện của tổ cộng đồng cho biết: Mỗi hộ gia đình thuộc tổ cộng đồng được hỗ trợ giống gà đen H’Mông từ 21 ngày tuổi trở lên và thức ăn chăn nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà. Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 80 con giống và 125kg thức ăn chăn nuôi, hộ cận nghèo được hỗ trợ 64 con giống và 100kg thức ăn chăn nuôi. Tổng số lượng con giống hỗ trợ là 2.112 con/29 hộ. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi gà đen H’Mông thương phẩm cho bà con bản Hua Pù với mong muốn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo tiêu chí NTM; chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật chăn nuôi gà đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đồng thời từng bước hình thành chuỗi sản xuất gà thịt chất lượng cao trong nông hộ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài huyện Mường Lát.

Phát huy hiệu quả Chương trình 1719

Thời gian qua, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 1719, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định số 404-QĐ/TU ngày 5/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và được kiện toàn (tại Quyết định số 2747-QĐ/TU ngày 8/8/2023), Ban Dân tộc tỉnh được giao là cơ quan Thường trực thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung của các chương trình MTQG, ban chỉ đạo đã ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên ban chỉ đạo, thành lập tổ giúp việc thực hiện chương trình. 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình MTQG.

Đối với Chương trình 1719, UBND tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình 1719 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân có sự chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận.

Từ những ví dụ cụ thể ở từng bản, từng hộ gia đình vùng đồng bào DTTS&MN đã và đang được hỗ trợ, thụ hưởng từ Chương trình 1719 để thấy được ý nghĩa của chương trình của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS. Từ đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng DTTS&MN so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục lạc hậu; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa năm 2023 giảm từ 15,19% xuống còn 11,05% (giảm từ 35.229 hộ xuống còn 32.582 hộ), vượt 1,15% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; dự kiến tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024 giảm 4 - 5%. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào DTTS&MN đến hết năm 2023 là 39,61 triệu đồng; ước năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng.

P.N