Thanh Hóa: Đồng bào công giáo “an cư lạc nghiệp”: “Đổi đời” sau khi lên bờ

(Mặt trận) -Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TU, ngày 10-10-2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Thanh Hóa trong việc cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở, cuộc sống của đồng bào công giáo sinh sống vùng sông nước ngày càng ổn định...

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Đường giao thông nơi đồng bào công giáo sinh sống trên sông tại thôn 17, xã Xuân Lai (Thọ Xuân) được bê tông giúp việc đi lại của Nhân dân thuận tiện.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1963) - một trong những hộ đầu tiên của đồng bào công giáo sinh sống trên sông ở thôn 17, xã Xuân Tín (Thọ Xuân) được cấp đất, hỗ trợ làm nhà. Sau 13 năm lên bờ, gia đình ông Quang đã có nhiều thay đổi tích cực. Từ việc cả gia đình với 9 thành viên ở trong con thuyền nhỏ hẹp chưa đến 30m2 lênh đênh trên dòng sông Chu, nay gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Các con của ông có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ nét.

Ông Quang chia sẻ: Trước kia khi chưa có ngôi nhà, cuộc sống của người dân vạn chài khổ lắm. Quanh năm trôi nổi trên sông nước, lúc ở khúc sông này, lúc ở khúc sông khác, lấy con tôm, con tép là nguồn thu nhập chính trong ngày. Do hoàn cảnh sông nước khó khăn, nơi ở không cố định, chính vì vậy việc học của các con cũng bị gián đoạn. Khi con biết đọc, biết viết lại phải nghỉ học để chia sẻ bớt gánh nặng mưu sinh với bố mẹ.

Cuộc sống hàng ngày vốn đã vất vả như vậy, nhưng “những ngày mưa bão thì mới là những ngày khốn khổ nhất. Sóng gió có thể nhấn chìm cả nhà bất cứ lúc nào, giữa đêm hôm sông nước không biết cầu cứu vào ai. Những ngày mưa không thể đi đánh bắt cá, bán để lấy tiền mua gạo, lại phải lên bờ nhờ bà con trong thôn cưu mang” - ông Quang cho biết. Gần 50 năm gắn bó với sông nước, những kỷ niệm về cái đói, cái nghèo, việc thất học từ đời này sang đời khác của nhiều đứa trẻ vùng sông nước, đặc biệt là các vụ tử vong vì đuối nước của người dân sinh sống trên sông luôn ám ảnh trong tâm trí của ông.

“Hơn 10 năm qua, kể từ khi được cấp đất xây nhà, cuộc sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây đã ổn định hơn. Lên bờ an cư lạc nghiệp, có việc làm ổn định, các cháu được đến trường, gia đình nào cũng phấn khởi” - ông Quang cho biết thêm.

Trong căn nhà mới 2 tầng khang trang, sạch sẽ với đầy đủ tiện nghi, chị Ngô Thị Tuyết, khu dân cư Duệ Thôn, xã Định Tiến (Yên Định) không giấu được sự xúc động, cho biết: Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bao đời nay gia đình tôi gắn bó với sông nước, lo cái ăn đã khó khăn, sao dám nghĩ đến việc có được miếng đất để an cư lập nghiệp?. Niềm vui đã đến với gia đình tôi cũng như nhiều hộ đồng bào sinh sống trên sông ở giáo xứ Yên Khánh khi năm 2018 được cấp ủy, chính quyền xã hướng dẫn làm thủ tục cấp đất và hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng làm nhà. Gia đình cũng tích cóp được một chút vốn, cùng với sự giúp đỡ của anh em nên đã xây xong ngôi nhà này đầu năm 2022. Niềm vui không thể nói lên thành lời”.

 Được cấp đất, gia đình chị Ngô Thị Thúy, khu dân cư Duệ Thôn, xã Định Tiến (Yên Định) sau nhiều năm làm lụng vất vả đã xây dựng được căn nhà khang trang.

Đối với chị Tuyết 36 năm lấy thuyền làm nhà, cuộc sống hàng ngày của gia đình chị gặp nhiều khó khăn khi ăn uống, nấu nướng... tất cả chỉ bó gọn trong không gian nhỏ bé của con thuyền. Thế nhưng mùa mưa bão, khi nước dâng lên là những ngày khổ nhất, gia đình chị phải làm mọi cách để giữ được chiếc thuyền làm nơi sinh sống của cả gia đình. Cái lạnh, cái rét, cái đói là những kỷ niệm không thể quên đối với chị Tuyết nói riêng và người dân vùng sông nước nói chung.

Nhắc đến chuyện học của làng chài nhiều năm về trước, chị Tuyết kể: “Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ nhìn các bạn cùng trang lứa được đi học để biết đọc, biết viết, những đứa trẻ làng chài như tôi tủi thân lắm. Mong muốn được đi học nhưng ước mơ đó chưa bao giờ trở thành hiện thực. Việc không biết đọc, biết viết khổ lắm. Hễ có việc gì liên quan đến giấy tờ, viết lách tôi và mọi người đều thấy mặc cảm, tự ti trong cuộc sống”.

“Việc học ở làng chài giờ đã khác xưa nhiều rồi. Khi người dân ấm cái bụng thì sẽ no con chữ. Giờ thôn Duệ Thôn không còn cảnh những đứa trẻ lấm lem thất học nữa, cũng không có việc bố mẹ bắt phải bỏ học giữa chừng để đi kiếm tiền. Vì tương lai của con trẻ, mọi người đều cố gắng quyết không để các con thất học, thiệt thòi như mình nữa mà hết sức quan tâm đầu tư cho các con ăn học đến nơi, đến chốn”.

Đồng bào sinh sống trên sông chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, cuộc sống ngụ cư nay đây mai đó, lênh đênh theo con nước. Hành trang là chiếc thuyền nhỏ, ít ngư lưới cụ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Cứ vậy mà đi theo những luồng cá, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền, chuyện con trẻ theo chúng bạn đến trường có lẽ là ước mơ của nhiều con em đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông. Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) về đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ, bố trí được đất, nhà ở cho 812 hộ đồng bào công giáo nghèo sinh sống. Hiện cuộc sống của người dân đã ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, kiên cố góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo Xuân Anh – Báo Thanh Hóa