Thanh Hóa: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã và đang góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Một góc bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát) - nơi đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống.

Tạo đà phát triển KT-XH trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 14-10-2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chương trình với mục tiêu chung là nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia...

Phạm vi của chương trình được thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đối tượng của chương trình bao gồm: Xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Các dự án thành phần của chương trình gồm 10 dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn I (2021-2025), Tỉnh ủy ban hành các quyết định: Thành lập ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo; ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo; thành lập tổ giúp việc thực hiện chương trình. UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. HĐND tỉnh thông qua nghị quyết ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, thông qua nghị quyết phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công và thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của chương trình theo đúng quy định.

Tại Thanh Hóa, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình là 1.231,275 tỷ đồng. Năm 2022, tổng vốn được phân bổ để thực hiện là 412,217 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 394,483 tỷ đồng (vốn đầu tư là 238,108 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 156,375 tỷ đồng); vốn ngân sách tỉnh 17,734 tỷ đồng. Đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tích cực, chủ động trong công tác phối hợp tham mưu các nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND; chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, xác định các nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, địa bàn thực hiện các dự án thành phần thuộc chương trình đảm bảo.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến ngày 15-11-2022, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, đã có 9/11 huyện (gồm Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Thạch Thành) đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; còn một số dự án của 2/11 huyện (Quan Hóa, Quan Sơn) và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (đang trình UBND tỉnh xác định chủ đầu tư), chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Tại các huyện, Chương trình MTQG năm 2022 là dự án khởi công mới, cần nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, do đó công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư còn chậm. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện nay, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện đang khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các dự án, tiểu dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025) đạt hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, Nhân dân. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn thực hiện. Tổ chức rà soát, tham mưu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS, miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình MTQG đảm bảo đúng mục tiêu đã được phê duyệt.

Ngọc Bích