Thanh Hóa: Chăm lo đời sống phụ nữ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, giúp cho nhiều hội viên phát huy tốt vai trò làm chủ cuộc sống, mạnh dạn, tự tin khẳng định mình, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ trong lĩnh vực công tác, phong trào ở địa phương

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai thăm, chúc mừng các cơ sở Công giáo và Tin lành nhân dịp lễ Phục sinh năm 2024

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

 Cán bộ Hội LHPN xã Nam Xuân (Quan Hóa) tuyên truyền các mô hình phát triển kinh tế đến hội viên.

Một trong những đơn vị thực hiện tốt phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là Hội LHPN huyện Như Xuân. Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, khuyến khích, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc của hội viên. Hội đã phối hợp với các phòng, ban mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; phối hợp với các ngân hàng trong huyện tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế; phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 814 con giống cho gia đình phụ nữ nghèo ở xã Thanh Lâm, Thượng Ninh; duy trì hiệu quả chương trình “Ngân hàng bò”; phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ và trao các suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Qua đó, tạo điều kiện để hội viên nghèo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Tại huyện Như Thanh, các cấp hội LHPN thường xuyên nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nhằm đáp ứng kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chị em, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ về những vấn đề trọng tâm và liên quan trực tiếp đến đời sống của chị em, như: Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức về chăm sóc sức khỏe... Quan tâm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số (DTTS); phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Năm 2021, trên địa bàn huyện có 500 lao động nữ được đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động nữ; trên 2.000 phụ nữ được tập huấn, tư vấn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; 50 lao động nữ tham gia xuất khẩu lao động, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn...

Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN huyện Quan Hóa đã đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội trong huyện rà soát địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định nguyên nhân đói nghèo, từ đó phân công hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ; phối hợp với các ngân hàng đóng trên địa bàn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất; phối hợp với các phòng, ban trong huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Từ cách làm trên, xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình chăn nuôi lợn cỏ của gia đình chị Lộc Thị Bưng, bản Khang, xã Nam Tiến; chăn nuôi dê của gia đình chị Lộc Thị Thơ, bản San, xã Hiền Kiệt; chăn nuôi bò của gia đình chị Hà Thị Quốc, bản Ôn, xã Phú Sơn... Ngoài ra, huyện Hội duy trì và phát triển các mô hình nuôi lợn cỏ, gà đồi ở các xã Phú Nghiêm, Phú Xuân, Phú Thanh, Nam Tiến, Hiền Chung, Nam Động; cá dầm xanh ở bản Pạo, xã Trung Sơn; chăn nuôi lợn nái sinh sản ở các xã Hiền Chung, Phú Sơn, thị trấn Hồi Xuân; rau sạch ở bản Khiêu, xã Phú Nghiêm...

Với phương châm hoạt động hướng về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên phụ nữ, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện khâu đột phá về “Tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU và số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Các cấp hội luôn đồng hành, hỗ trợ các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đồng bào DTTS để giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu, đề xuất thành công 99 đề án, dự án, kế hoạch và lồng ghép, huy động các nguồn vốn qua thực hiện các phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...; hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nguồn vốn tổ chức tín dụng đạt 9.521 tỷ đồng, cho 189.910 lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế, giảm nghèo; giúp hơn 82.307 lượt phụ nữ nghèo về vốn, giống, ngày công trị giá trên 114 tỷ đồng; vận động xây/sửa 685 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp dạy nghề cho 49.118 lao động nữ (vượt chỉ tiêu đề ra 24.118 lao động), đồng thời chủ động liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nhân nữ và Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh tham gia các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế...

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, các cấp hội trong tỉnh đã giúp trên 15.000 hộ gia đình phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần vào chương trình giảm nghèo chung của tỉnh...

Bài và ảnh: Xuân Minh