Thái Nguyên: Thêm động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

(Mặt trận) -Thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, những năm gần đây, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở cơ sở, giúp đồng bào có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Từ Dự án 4, xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành (Phú Bình), được đầu tư xây dựng đường bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế.

Về Đồng Bầu, xã Tân Thành (Phú Bình), chúng tôi ấn tượng trước sự thay đổi của xóm đặc biệt khó khăn này, nhất là hệ thống đường giao thông. Con đường đất dài gần 1.700m nắng bụi, mưa lầy giờ đã được mở rộng, đổ bê tông mặt đường 3,5m, dày 18cm.

Trưởng xóm Đồng Bầu, bà Lý Thị Cảnh, phấn khởi nói: Xóm có 156 hộ, trong đó 151 hộ là người DTTS. Trong phát triển kinh tế của xóm, khó khăn về giao thông từng là một trong những rào cản. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Dự án 4), xóm được đầu tư tuyến đường với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Bà con rất phấn khởi, nhiều gia đình có tuyến đường đi qua đã tự nguyện hiến đất để công trình thi công đúng tiến độ đề ra.

Cùng với Đồng Bầu, năm 2022, xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình), cũng được đầu tư xây dựng gần 900m đường giao thông với tổng kinh phí trên 990 triệu đồng. Theo ông Đặng Văn Hồng, Trưởng xóm Cầu Cong: Xóm có 84 hộ, trong đó có 80 hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu. Khi chưa có đường bê tông, hiếm lắm mới thấy xe ôtô vào xóm, xe máy thì đoạn đi, đoạn phải dắt. Có đường bê tông, trời mưa trẻ con đến trường học bình thường. Giờ từ hạt thóc, củ khoai đến con gà, con lợn, thương lái cũng đến tận nhà mua.

Rời Phú Bình, chúng tôi đến xóm Bản Vèn, xã Linh Thông (Định Hóa), đúng dịp bà con trong xóm đang chuẩn bị tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11). Năm nay, bà con rất phấn khởi vì Ngày hội Đại đoàn kết được tổ chức trong nhà văn hóa vừa được khánh thành.

Bà Lưu Thị Duyên, Trưởng xóm Bản Vèn, phấn chấn nói: Được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, nhân dân trong xóm đối ứng 126 triệu (trung bình mỗi hộ đóng góp trên 2 triệu đồng), nhà văn hóa khang trang đã được xây dựng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con, mà còn góp phần để đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

Ngoài nhà văn hóa ở xóm Bản Vèn, thực hiện Dự án 4, trong 2 năm qua, xã Linh Thông còn được đầu tư các công trình như: Đường liên xóm Nà Trú-Nà Mỵ, kênh mương nội đồng xóm Nà Chát và xóm Cốc Móc. Các công trình hoàn thành đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở cơ sở, giúp đồng bào DTTS có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết thêm: Trong tiểu dự án 1 - Dự án 4, huyện Định Hóa được giao kế hoạch vốn đầu tư từ năm 2021 đến năm 2023 là 69.924 triệu đồng. Huyện đã thực hiện theo nguyên tắc lồng ghép các nguồn lực, có sự thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách, phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định. Trong quá trình triển khai, chúng tôi ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và tuân thủ theo quy định.

Từ nguồn vốn trên, năm 2022, Định Hóa khởi công mới 135 công trình hạ tầng thiết yếu gồm: Đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, xóm, trường học, trạm y tế, thủy lợi, chợ nông thôn... tại 13 xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông mới, xã chưa hoàn thành Chương trình 135.

Năm 2023, huyện tiếp tục quyết toán vốn các công trình của năm 2022 chuyển sang; bố trí vốn thực hiện 14 công trình chuyển tiếp và khởi công mới 18 công trình thiết yếu.

Cùng với Định Hóa, 2 năm qua, từ ngân sách Trung ương, địa phương, huyện Võ Nhai được cấp trên 90 tỷ đồng thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đầu tư các công trình đường giao thông nông thôn, huyện tập trung xây dựng cầu tràn qua các khe, suối và lồng ghép các nguồn lực để đầu tư các công trình thiết yếu như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nâng cấp trạm y tế…

Việc đón nhận các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Võ Nhai đã đạt được những kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng từng bước được nâng lên. Các dự án, công trình hạ tầng sau đầu tư đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người DTTS, chiếm gần 30% dân số, sinh sống chủ yếu ở 110 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Đây là những vùng còn gặp nhiều khó khăn, các công trình hạ tầng thiết yếu vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Giai đoạn I từ năm 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổng số vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Thái Nguyên là gần 172 tỷ đồng, trong đó Dự án 4 là trên 57 tỷ đồng. Đây là những hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS.

Thanh Nga