Thái Nguyên: Tạo điều kiện để đồng bào sống "Tốt đời, đẹp đạo"

(Mặt trận) -Với 3 tôn giáo chính đang hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin lành, tỉnh Thái Nguyên hiện có 51 chức sắc, 1.763 chức việc, 134.190 tín đồ, người tin theo, 245 cơ sở tôn giáo và 65 địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp nên thời gian quan, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại tỉnh Thái Nguyên được thực hiện khá hiệu quả. Theo đó, những vi phạm và hành vi truyền đạo trái pháp luật trên địa bàn tỉnh được xử lý nghiêm. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng được ưu tiên triển khai tại vùng đồng bào có đạo, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc…

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Sâu sát cơ sở, lực lượng Công an huyện Võ Nhai luôn gắn bó mật thiết với người dân vùng dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin lành, để tuyên truyền người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nghiêm túc, đồng bộ. Các cấp, ngành kịp thời cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 12/01/2023 về việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2023. Theo đó, Sở Nội vụ đã ban hành 3 kế hoạch, 6 báo cáo liên quan đến thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo các cấp, ngành chủ động hướng dẫn quản lý hoạt động tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý hoạt động tôn giáo, Sở Nội vụ đã ban hành 4 văn bản hướng dẫn UBND huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Đối với việc sinh hoạt tôn giáo, truyền bá tôn giáo, thời gian qua, các cấp có thẩm quyền đã giải quyết tốt nhu cầu tổ chức các hoạt động sinh hoạt, truyền bá tôn giáo. Đồng thời chấp thuận tổ chức một số cuộc lễ tôn giáo có quy mô lớn, thu hút hàng nghìn người tham dự.

Đơn cử như Lễ đón Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lễ khởi công tu bổ chùa Hương Ấp, Lễ rước thánh giá của các giáo xứ Công giáo… vừa được tổ chức trong năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Văn, Trùm trưởng Giáo họ Tam Giang, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho hay: Chúng tôi rất vui khi mọi giáo dân đều được các cấp chính quyền địa phương tạo điều khi tham gia nhiều cuộc lễ tôn giáo lớn, nhỏ tổ chức tại tỉnh. Sự quan tâm này khiến mỗi người ý thức hơn trong việc thực hiện phương châm “Kính Chúa, yêu nước”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”…

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chấp thuận tổ chức 4 lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo và 2 lớp cho người không chuyên hoạt động tôn giáo (cho tín đồ đạo Tin lành); chấp thuận việc mời người nước ngoài vào giảng đạo cho 611 người toàn Giáo hội của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tham gia.

Ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên, cho hay: Đối với việc quản lý tổ chức, nhân sự tôn giáo, thời gian qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, công bố danh mục tổ chức tôn giáo trực thuộc, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của Công giáo và đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh; thực hiện tiếp nhận thuyên chuyển 4 chức sắc, nhà tu hành, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ bổ nhiệm 1 chức việc Phật giáo. UBND cấp xã chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 4 nhóm tín đồ (Công giáo 2, Phật giáo 1, đạo Tin lành 1).

Đáng nói, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 25 thủ tục hành chính của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, trong đó 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện đúng thời gian.

Việc rà soát, thống kê sử dụng đất đai có liên quan đến tôn giáo; hướng dẫn kê khai, đăng ký sử dụng đất và kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo được quan tâm thực hiện…

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo; tổ chức tiếp công dân định kỳ, giải quyết các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của công dân…

Có thể khẳng định, nhờ làm tốt công tác quản lý, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đang khá ổn định, nền nếp và tuân thủ pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được giải quyết kịp thời; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đảm bảo. Bên cạnh đó, các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước…

Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, thời gian tới, tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo. Cùng với đó là kịp thời phát hiện, giải quyết các vướng mắc về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định. 

Tỉnh Thái Nguyên cũng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái phép, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời hoạt động của các tổ chức tự xưng, tổ chức bất hợp pháp trên địa bàn…

Tùng Lâm