Thái Nguyên: Lương, giáo một lòng xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Xóm Ao Mật, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là nơi có đồng bào lương, giáo cùng sinh sống. Những năm qua, người dân trong xóm tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, bà con lương, giáo ở đây đã cùng nhau đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Nhà văn xóm Ao Mật được sửa chữa khang trang, rộng rãi nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của người dân.

Xóm Ao Mật được hình thành cuối năm 2019, trên cơ sở sáp nhập xóm An Sơn vào xóm Ao Mật cũ. Xóm hiện có 136 hộ dân, 480 nhân khẩu, với 4 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống, trong đó có 53 hộ là đồng bào Công giáo. Từ khi sáp nhập đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con lương, giáo tiếp tục đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào, đặc biệt là xây dựng NTM.

Là một giáo dân, ông Nguyễn Văn Chinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm không chỉ thường xuyên tuyên truyền để bà con sống “tốt đời, đẹp đạo” mà còn tích cực vận động nhân dân tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”.

Ông Chinh cho biết: Xác định xây dựng NTM là của tất các các tôn giáo, dân tộc, vì vậy, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận đã cùng với các đoàn thể của xóm tích cực tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con. Nhờ đó, xóm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Đơn cử như sau sáp nhập xóm, nhận thấy Nhà văn hóa xóm nhỏ, hẹp tổng diện tích 200m2, có 50 chỗ ngồi, các đoàn thể của xóm đã tích cực vận động người dân đóng góp mỗi nhân khẩu 400 nghìn đồng để mua thêm đất, mở rộng, sửa chữa Nhà văn hóa.

Anh Lâm Văn Dũng, một người dân trong xóm, cho hay: Khi các cán bộ xóm đến tuyên truyền, vận động đóng góp kinh phí để sửa chữa Nhà văn hóa, gia đình tôi ủng hộ luôn và đóng tổng cộng 1,6 triệu đồng, ngoài ra còn góp thêm 10 ngày công.

Cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, bà con trong xóm cũng đã đối ứng tiền, công lao động ra để làm hơn 2km đường ngõ xóm. Đến nay, 100% các tuyến đường và kênh mương nội đồng của xóm đã được bê tông hóa.

Ông Nghiêm Văn Giáp, Trưởng xóm Ao Mật, chia sẻ: Đời sống kinh tế của bà con trong xóm chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây chè (65ha chè và 4,5ha lúa). Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, thời gian qua, xóm đã tích cực vận động nhân dân đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào trồng như: F1, LDP1, TRI777, Bát Tiên; phối hợp với cán bộ khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập từ cây chè, xóm còn vận động người dân chuyển từ bán chè tươi sang sản xuất chè khô, đến nay tại xóm có 10 cơ sở sản xuất chè. Nhờ đó, thu nhập bình quân của xóm đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, xóm chỉ còn 10 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.

Đời sống vật chất ngày càng cao, đời sống tinh thần của người dân cũng được cải thiện. Hiện, trên 70% người dân trong xóm tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao ở cộng đồng; hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%; xóm không có người mắc tệ nạn xã hội... Xóm luôn đi đầu trong các phong trào, thường xuyên được chọn làm điểm để triển khai các hoạt động của xã.

Thành Nam