Thái Nguyên: Để các chính sách với vùng dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả

(Mặt trận) -Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực khi giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho người dân; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của bà con... Dù vậy, khi triển khai Chương trình này, tỉnh đã gặp không ít khó khăn.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

HĐND tỉnh Thái Nguyên tiến hành khảo sát tại Trường Tiểu học Sa Lung (Tân Long, Đồng Hỷ) để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Sẽ là thiếu sót khi chúng ta không phản ánh những tác động tích cực của 10 dự án với 14 tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh. Nhờ sự tiếp sức của các dự án, tiểu dự án, đến nay, trên 99% số xóm thuộc vùng DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% số hộ vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố; 100% xã có trạm y tế, được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc… Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo ở vùng DTTS đạt trên 2,1%; tỉnh có thêm 5 xã thoát diện đặc biệt khó khăn.

Các đơn vị, địa phương được thụ hưởng các dự án, tiểu dự án đã, đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn lực vùng DTTS và miền núi. Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Chương trình MTQG 1719 là sự ưu đãi rất lớn của Nhà nước dành cho người dân vùng cao, còn nhiều khó khăn như Võ Nhai. Bởi vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp, ngành trong huyện đưa những chính sách này đến với bà con kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, hệ thống chính trị vùng DTTS được tăng cường...

Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đang gặp khó. Đơn cử đối với Dự án 1, số liệu tổng hợp các hộ thiếu nhà ở, đất ở năm 2019 lớn nhưng nay, các nội dung hỗ trợ cơ bản đã hoàn thành và hết đối tượng thụ hưởng, nên các địa phương đã đề xuất phương án điều chuyển hoặc chuyển trả ngân sách.

Hay như Dự án 2, sau khi rà soát, tổng hợp số hộ vùng đặc biệt khó khăn và khu vực cần thiết khác cần được bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đã phát sinh 368 hộ chưa có trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 của dự án phê duyệt kèm theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Chính phủ, nên chưa thực hiện được.

Còn với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 (Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập của người dân), hiện nay, nhiều xã đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới nên đối tượng thụ hưởng của Tiểu dự án giảm so với kế hoạch. Năm 2024, ngân sách Trung ương phân bổ 37.080 triệu đồng trong khi nhu cầu dự kiến kinh phí hỗ trợ là 8.124,73 triệu đồng, thừa 28.955,27 triệu đồng (sự dụng vốn kéo dài thực hiện năm 2024).

Ngoài ra, khi triển khai hỗ trợ đến người dân ở xóm thuộc các xã khụ vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi thực hiện nội dung bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên khi xác định thực tế không phải rừng tự nhiên nên cũng không thực hiện được (ở Võ Nhai).

Đối với Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3, đối tượng thực hiện Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phải là hộ nghèo, cận nghèo ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Khi họ đã thoát nghèo thì không còn được hưởng chính sách hỗ trợ nên đối tượng giảm. Hơn nữa, các nguồn lực như đất đai, lao động của hộ nghèo, cận nghèo khi đã tham gia 1 trong 3 chương trình MTQG thì không còn đủ các điều kiện để tham gia tiếp các dự án liên kết của Chương trình MTQG 1719 nên không còn đối tượng để thực hiện.

Mặt khác, chủ liên kết chuỗi là các doanh nghiệp, HTX, các hộ khác không phải hộ nghèo tham gia liên kết chuỗi lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ, nên không tìm được đối tượng liên kết với người dân để triển khai khiến nguồn vốn khó giải ngân. Hiện, mới chỉ có 2 dự án liên kết chuỗi được Hội đồng thẩm định thông qua được phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Cá biệt như Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10, hiện nay Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về lựa chọn loại phương tiện nghe nhìn cấp cho người có uy tín để thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Trước những khó khăn nêu trên, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về tầm quan trọng của Chương trình 1719. Cùng với đó là kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể để Chương trình này phát huy hiệu quả cao hơn.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, cho hay: Thời gian tới, cùng với việc triển khai 10 dự án đạt hiệu quả, chúng tôi nâng cao năng lực của cộng đồng, sự hiểu biết của người dân ở vùng DTTS trong việc tiếp cận các thông tin về kinh tế, xã hội, pháp luật, khoa học - kỹ thuật, văn hóa để từng bước nâng cao ý thức của đồng bào, cũng như đội ngũ cán bộ trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và chương trình MTQG.

Tùng Lâm