Thạch Thành: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, do vậy huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Mô hình trồng rau sạch tại xã Thạch Sơn.

Tỷ lệ giải ngân cao

Triển khai thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn, huyện Thạch Thành đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Huyện đã kiện toàn công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể tới các thành viên, các cơ quan, đơn vị. Xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, quản lý thực hiện chương trình cấp huyện đảm bảo thời gian. Về tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2023 đạt 11 tỷ 385 triệu đồng, ước đến ngày 31/12/2023 tỷ lệ giải ngân trên địa bàn huyện đạt 89,21%. Nhiều dự án, tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân đạt cao.

Ví như dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với tổng nguồn vốn được phân bổ giai đoạn 2021-2023 là 5 tỷ 848 triệu đồng. Theo đó, UBND huyện đã phân bổ vốn cho 18 xã để triển khai các mô hình sinh kế, góp phần hỗ trợ việc làm cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Ước đến ngày 31/12/2023 tỷ lệ giải ngân dự án đạt 100% kế hoạch giao.

Hay như, thực hiện tiểu dự án 1 (dự án 6) truyền thông và giảm nghèo về thông tin, với tổng vốn được phân bổ 228 triệu đồng (trong đó, năm 2022 là 74 triệu đồng, năm 2023 là 154 triệu đồng). Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức các hội nghị tập huấn “Giảm nghèo về thông tin” cho 199 trưởng thôn, khu phố và cán bộ phụ trách đài truyền thanh trên địa bàn huyện; tổ chức tuyên truyền trực quan bằng pano trên địa bàn 25 xã, thị trấn... tính đến ngày 21/9/2023 huyện đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Triển khai tiểu dự án 1 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc dự án 3), huyện đã tiến hành phân bổ vốn thực hiện cho 14 xã với tỷ lệ giải ngân ước đạt 99,25%. Ngoài ra, các tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân cao như: Tiểu dự án 3, dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững, tổng vốn được phân bổ 746 triệu đồng (giải ngân đạt 100% kế hoạch); dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng (giải ngân đạt 97,28%); dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp tạo việc làm bền vững (tỷ lệ giải ngân đạt 85,66%)...

Nhiều giải pháp đồng bộ

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2021-2023, hầu hết các mục tiêu về giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 9/2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 7,05% (giảm 6,28% so với cuối năm 2021), hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 5,27% (giảm 2,59% so với cuối năm 2021), dự kiến đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,54%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,96%. Đặc biệt, số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS cũng giảm nhanh, các chỉ số thiếu hụt việc làm cho hộ nghèo, thiếu hụt về y tế giảm mạnh; tỷ lệ trẻ em hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo có chứng chỉ tăng cao (tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 ước đạt 69,8%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng sơ cấp trở lên đạt 22,72%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 51,19 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 17 toàn tỉnh và đứng đầu trong 11 huyện miền núi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chỉ tiêu 100% xã khó khăn thoát khỏi tình trạng xã khó khăn, 50% thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn được dự báo khó hoàn thành. Kết quả xây dựng, phát triển, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn hạn chế...

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Thạch Thành xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Đặc biệt, sẽ lấy kết quả thực hiện chương trình là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân hàng năm và cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào vùng DTTS và miền núi để mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm và có hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo giảm nghèo thực hiện các giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% theo kế hoạch vốn giao.

T.H