Tết đủ đầy của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Vĩnh Phúc hiện có 41 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó có 40 dân tộc thiểu số với hơn 55.380 người (chiếm khoảng 4,8% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào lại vui mừng, hạnh phúc khi đón một năm mới với nhiều thắng lợi và tâm thế Xuân này khác Xuân qua…

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Niềm vui đón Tết của đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô).

 Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Quang Yên (Sông Lô) để được cùng đón Tết cổ truyền với đồng bào dân tộc Cao Lan thôn Xóm Mới. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự đổi thay của một vùng quê với những tuyến đường hoa; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; trẻ em tung tăng đùa vui khắp xóm; người già phấn khởi mừng vui đón một cái Tết đầy đủ, sung túc.

Những mảnh giấy đỏ được dán khắp nơi từ nhà ra ngõ; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, cái đói, cái nghèo không còn là nỗi lo… Tất cả đều đang hối hả, khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ để dành trọn thời gian nghỉ ngơi trong những ngày Tết cổ truyền.

 Người Sán Dìu ở thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) vui đón Tết.

Ông Trần Đại Nghĩa phấn khởi cho biết: Tết ở đây thường bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp, chúng tôi chuẩn bị đón Tết rất chu đáo, bởi sau một năm lao động vất vả, đây là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành, để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng.

Ngày Xuân với người Cao Lan không thể thiếu điệu hát Sình ca. Người Cao Lan ở Quang Yên có nhiều câu lạc bộ dân ca, dân vũ. Theo chia sẻ của ông Hoàng Giang Lâm, Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới: Với quan điểm, người biết nhiều dạy cho người biết ít và để có những tiết mục hay, thu hút người dân tham gia, ngoài thời gian biểu luyện tập cố định 2 buổi/tuần, tranh thủ những ngày nông nhàn bà con trong thôn cũng thường xuyên luyện tập, hát cho nhau nghe, qua đó tình yêu đối với mỗi câu hát Sình ca cũng được nhân lên.

Ông Nguyễn Đức Tuy, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Xóm Mới cho biết: Hiện nay, cuộc sống của người Cao Lan đã có nhiều đổi thay. Bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn cho mình những việc làm thêm phù hợp ở trong và ngoài tỉnh, đem về nguồn thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang.

Hiện, trong thôn có tới hơn 30% nhà cao tầng; không còn hộ đói, hộ nghèo giảm; đường trục thôn được đổ bê tông sạch đẹp. Người dân được tiếp cận gần hơn với công nghệ thông tin nên việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng trở nên dễ dàng hơn. Cuối năm, số nhân khẩu đi làm xa về nghỉ Tết sum họp bên gia đình, tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp…

Rời Sông Lô, chúng tôi xuôi về thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên), xã duy nhất của thành phố có đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Ngày nay, mặc dù đời sống vật chất đã có nhiều đổi mới, nhưng những nét đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền vẫn được người Sán Dìu gìn giữ và phát huy.

Tự hào về những phong tục đẹp của đồng bào mình trong ngày Tết, ông La Văn Tiến, Trưởng thôn Lập Đinh tâm sự: Hiện nay, người Sán Dìu vẫn duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Năm nào cũng vậy, chúng tôi chuẩn bị đón Tết từ những ngày cuối tháng Chạp, tạo không khí Tết bằng cách cắt giấy đỏ để dán khắp nơi trong nhà.

Trong những ngày Tết, các hoạt động vui chơi của người Sán Dìu như hát Sọong cô, đánh khăng, đi cà kheo, kéo co hoặc đi chơi, tham dự các lễ hội kỳ yên cấp sắc được tổ chức rộn ràng. Chính sách hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Cấp gạo, cây trồng, con giống, phân bón, hỗ trợ vật dụng gia đình, dụng cụ sản xuất... cũng đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào.

Với quan điểm tất cả đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đều được đón Tết đầy đủ, đầm ấm, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời và chỉ đạo tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để đồng bào vui Tết cổ truyền.

Dù phong tục, tập quán của mỗi dân tộc thiểu số có những nét khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều trong tâm thế háo hức chờ đón Tết cổ truyền để được sum họp và cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong những ngày đầu Xuân, mong muốn tỉnh nhà ngày càng ổn định và phát triển.

Hoàng Hà