Tây Ninh: Công tác “dân vận khéo” trong đồng bào DTTS, tôn giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội

(Mặt trận) -Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tôn giáo ngày càng tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ấp, khu phố không có tệ nạn xã hội…

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, chúc mừng Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh nhân dịp Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung năm 2021

Tỉnh Tây Ninh có dân số khoảng 1,2 triệu người, có 22 dân tộc, với hơn 5.127 hộ và 19.648 nhân khẩu, chiếm 1,69% dân số; có 8 tôn giáo với khoảng 808.396 tín đồ, chiếm tỷ lệ 69% dân số, là nơi đặt Tổ đình Trung ương Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh.

Bên cạnh đó, Tây Ninh còn là tỉnh có đường biên giới dài 240km giáp với 3 tỉnh Svay Rieng, Tbong Khmum và Prey Veng của Vương quốc Campuchia và nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, công tác dân vận, đặc biệt là trong đồng bào DTTS, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp các ngành liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, tôn giáo; giới thiệu một số chức sắc lãnh đạo tiêu biểu trong các tôn giáo, DTTS tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp, tham gia làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, phát triển đoàn viên, hội viên làm hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Hằng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành liên quan ra quân làm công tác dân vận, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương; tổ chức họp mặt già làng, người tiêu biểu trong các DTTS, các tôn giáo định kỳ 2 lần/năm; tổ chức tham quan, về nguồn; thăm hỏi, chúc mừng nhân các dịp lễ trọng; định kỳ mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào DTTS, tôn giáo.

Đồng bào DTTS, tôn giáo ngày càng tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước như: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ấp, khu phố không có tệ nạn xã hội; xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; cùng với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng bào DTTS, các tổ chức tôn giáo luôn chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh và các ngành liên quan về việc không sinh hoạt tôn giáo tập trung, đặc biệt là việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch do ngành Y tế khuyến cáo; các tổ chức tôn giáo đã vận động quyên góp được hơn 5,4 tỷ đồng, góp phần vào thành công của tỉnh trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Các ngành chức năng đã đề nghị UBND tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các vị chức sắc, già làng, Người uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác an sinh xã hội và công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Những kết quả nêu trên đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận của đồng bào DTTS, tôn giáo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định các mặt đời sống của nhân dân, các giai tầng, đồng bào DTTS, tôn giáo của tỉnh.

Hiện nay, công tác “dân vận khéo” không còn là của một ngành, một lĩnh vực mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, do cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo; trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, những người mang sứ mệnh “phụng sự nhân dân” và sự đồng lòng của các giai tầng trong xã hội, đồng bào DTTS, tôn giáo để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn chúng ta: “Nước phải lấy dân làm gốc, lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

P.V