Tập hợp, đoàn kết các tôn giáo: Nhu cầu cấp thiết trong tình hình mới

(Mặt trận) -Ngày 17/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề công tác tôn giáo năm 2021. Dự và chủ trì Hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu các chuyên đề gồm tình hình các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và một số trọng tâm công tác tôn giáo của Mặt trận thời gian tới; nội dung, phương thức vận động tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tổ chức Giáo hội, tổ chức xã hội tôn giáo - Những điểm cần lưu ý; tình hình Công giáo hiện nay về một số vấn đề cần chú ý trong công tác vận động, đoàn kết Công giáo; tình hình đạo Tin Lành hiện nay và một số vấn đề cần chú ý trong công tác vận động, đoàn kết đạo Tin Lành.

Tạo sự đồng thuận trong vận động các tôn giáo

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong định hướng, dẫn dắt về mặt tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh và tác động đến thái độ chính trị, hoạt động xã hội của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo.

Vì vậy, công tác vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức xã hội tôn giáo có một ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tôn giáo nói chung và công tác tôn giáo của Mặt trận nói riêng. Mặt khác, công tác vận động tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc lại gắn liền và có mối quan hệ hữu cơ với công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và quần chúng tín đồ.

“Làm tốt công tác vận động tổ chức tôn giáo sẽ góp phần tích cực trong việc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trong vận động tổ chức giáo hội, tôn giáo, Mặt trận cần xây dựng thái độ tôn trọng, đối xử bình đẳng và dân chủ với các tổ chức giáo hội. Khi có vấn đề nảy sinh thì tiến hành tiếp xúc thường xuyên, đối thoại, trao đổi, bàn bạc để giải quyết có lý có tình các sự việc, các vấn đề, tránh áp đặt, mệnh lệnh, cưỡng ép, từ đó đi đến đồng thuận, phối hợp cùng giải quyết tốt các vấn đề, sự việc liên quan cùng quan tâm.

Trong tiếp xúc với các tổ chức giáo hội để giải quyết các vấn đề có liên quan nên phân công những cán bộ có trình độ chính trị vững vàng, nắm vững chính sách tôn giáo, am hiểu tôn giáo và giáo hội; có thái độ mềm dẻo, lịch sự và những cán bộ này nên chuyên sâu ổn định lâu dài, để nắm vấn đề có hệ thống.

Ngoài ra, đối với từng tổ chức giáo hội tôn giáo cụ thể cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình của tôn giáo đó và quá trình hình thành, phát triển cũng như những đóng góp của giáo hội cho đất nước để có những điểm lưu ý cụ thể.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thanh lưu ý, bên cạnh việc quan tâm đến đời sống của chức sắc, nhà tu hành, nhất là khi họ gặp khó khăn hoặc đau yếu, chủ động đề xuất giải quyết thoả đáng những yêu cầu, kiến nghị chính đáng, hợp pháp thì công tác vận động chức sắc, nhà tu hành phải bám sát các nguyên tắc gắn bó tôn giáo với dân tộc, hoà hợp Đạo - Đời, trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc, tuân thủ pháp luật, giữ vững độc lập tự chủ của tổ chức tôn giáo trong nước trong quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế, đề cao độc lập chủ quyền quốc gia, tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.

Vận động các tôn giáo đoàn kết, góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với đa số là người lao động, có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.

Chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta yên tâm làm việc đạo, có tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống "Tốt đời, đẹp đạo".

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và trí thức tôn giáo; phối hợp cùng các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong vùng đồng bào có đạo.

Trong đó, Mặt trận các cấp đã tăng cường tập hợp các tổ chức tôn giáo được công nhận có đủ điều kiện theo quy định tham gia làm thành viên của Mặt trận; tập hợp, thu hút các cá nhân tiêu biểu tôn giáo tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban chấp hành các đoàn thể nhân dân và cơ quan dân cử ở các cấp với số lượng, cơ cấu phù hợp để đảm bảo tính đại diện của các tôn giáo trong Mặt trận, đoàn thể nhân dân và cơ quan dân cử.

Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với nhân dân, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã vận động các tôn giáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kết nối, chia sẻ thông tin, cổ vũ các tôn giáo ở Việt Nam tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, lay động lòng người, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

 Các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn tại điểm cầu địa phương.

Để công tác tôn giáo của Mặt trận, đoàn thể luôn đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, mỗi cán bộ Mặt trận, đoàn thể làm công tác tôn giáo cần nắm vững chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đổi mới nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo, có kiến thức nhất định và sự hiểu biết về lịch sử ra đời, giáo lý, giáo luật lễ nghi, phong tục, tập quán của các tôn giáo.

Bên cạnh đó, cần nắm chắc nội dung chủ trì, nội dung tham gia của Mặt trận để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong công tác tôn giáo và có khả năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan làm công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các cấp. Từ đó đề xuất, tham mưu góp ý giải quyết việc liên quan đến tôn giáo bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa, ổn định, không nảy sinh phức tạp.

“Mỗi cán bộ làm công tác tôn giáo phải thật tâm huyết và trách nhiệm với công việc, thực hiện tốt phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; tác phong gần gũi, chân thành của cán bộ mặt trận, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi mở.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn, thông qua Hội nghị, MTTQ các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên, các thành viên Hội đồng tư vấn về tôn giáo sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động hơn nữa vận động, đoàn kết các tôn giáo tham gia tích cực hơn nữa vào các phong trào, các cuộc vận động với nhiều việc làm ích nước, lợi dân, "Tốt đời, đẹp đạo", đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TIẾN ĐẠT