Tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, được xem giải pháp cũng như cơ chế tạo động lực thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong giai đoạn mới.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ông Vi Văn Sơn (áo trắng bên trái phía trong đeo khẩu trang màu xanh) - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cùng lãnh đạo huyện thăm hỏi bà con xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: Võ Niệm

Vùng DTTS và miền núi (MN) Nghệ An là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu đời với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng, với diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số toàn vùng khoảng 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào DTTS có hơn 49 vạn người, chiếm 14,8% dân số toàn tỉnh và chiếm gần 41 dân số toàn vùng.

Những năm gần đây, mặc dù có nhiều chuyển biến và phát triển khá toàn diện, nhất là về kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo… tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguyên nhân chủ quan và tác động của các yếu tố ngoại cảnh khác, nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực MN của tỉnh nói chung, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc theo Nghị định 05/2011 của Chính phủ; nhất là trong những năm đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021- 2030, vùng DTTS-MN của tỉnh, Nghệ An là một trong các địa phương đã chủ động tham mưu sớm để HĐND tỉnh xem xét ban hành các Nghị quyết quan trọng đối với đồng bào DTTS-MN.

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2026, định hướng đến năm 2030, ngày 1/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hànhChỉ thị số 17-CT/TUvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế các sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện.

Theo kế hoạch vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021 - 2025 của Nghệ An được phân bổ là 2.895 tỷ đồng, trong đó ngân sách đối ứng của địa phương 10%. Năm 2022 sẽ thực hiện 874 tỷ đồng trong đó 302 tỷ đồng là kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước) đối với 10 dự án thành phần, gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS-MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

 Ngày hội kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động ở huyện Quế Phong. Ảnh: TH

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 88/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030 được thông qua, cùng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ 2021- 2025, tháng 6/2022, tỉnh Nghệ An đãthông qua các nghị quyết liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia, có tác động rất sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh cũng như đời sống của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Các nghị quyết gồm: Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND về kế hoạch phân bổ vốn và cơ chế  huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022.

“Việc phân bổ vốn phải đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, có hiệu quả, không phân tán, dàn trải, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách của chương trình; đồng thời thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định. Trong đó ưu tiên bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, phù hợp các mục tiêu phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025” - ông Sơn cho biết thêm.

Có thể nói, Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030 được ban hành đã bước vào giai đoạn đầu để triển khai. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp thực hiện thắng lợi về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển vùng đồng bào DTTS-MN nhanh, bền vững.

X.T-T.H-V.N