Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Tham luận của đồng chí A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sáng 28/1 đã kiến nghị nhiều nhóm giải pháp lớn nhằm tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum A Pớt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Theo đồng chí A Pớt, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hạ tầng kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện. Đến cuối năm 2020, có 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa; 99,3% hộ gia đình sử dụng điện, 100% thôn có điện; trên 89% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,3%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, đảm bảo đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; 100% huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được củng cố và ngày càng hoàn thiện.

Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, đồng chí A Pớt cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc đầu tư phát triển, tạo chuyển biến về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; người dân chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh là vùng có rừng và đất rừng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; việc làm, lao động còn mang tính thời vụ, thu nhập thực tế thấp…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí A Pớt đã kiến nghị những nhóm giải pháp lớn.

Cụ thể, cần tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc thiểu số về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất về giáo dục; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách về giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các giải pháp để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông; chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất lao động là người dân tộc thiểu số,  giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Quan tâm đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng. Xây dựng các hình thức hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở cấp cơ sở phù hợp với từng dân tộc, đối tượng và điều kiện cụ thể. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi. Chủ động ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, không để các đạo lạ, tà đạo xâm nhập vào địa bàn.

Phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.