(Mặt trận) -Những năm qua, cấp ủy và chính quyền, MTTQ các cấp của huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên quan tâm đến công tác dân tộc và phát triển đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Thông qua những chính sách, biện pháp cụ thể gắn với sự nỗ lực vươn lên từ ý chí, nghị lực của đồng bào các dân tộc đã thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây ngày càng phát triển.
|
Đồng bào dân tộc thiểu số khai thác cây cao su. |
Huyện miền núi Tánh Linh có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn. Đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 3.576 hộ/14.258 khẩu, chiếm khoảng 14% dân số toàn huyện. Toàn huyện có 7 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số gồm: La Ngâu, Măng Tố, Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh, Suối Kiết và thị trấn Lạc Tánh; có 6 thôn, khu phố đặc biệt khó khăn là thôn 1, xã Măng Tố, thôn 4, xã Đức Bình, thôn 4, xã Gia Huynh, thôn 2, xã Suối Kiết, khu phố Trà Cụ và khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh và xã La Ngâu là xã khu vực III.
Trên tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chính sách xã hội, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Tánh Linh triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tập trung ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư xây dựng các công trình đã có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người nghèo dân tộc thiểu số. Đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 1.600 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, tập trung chủ yếu ở các nghề thủ công mỹ nghệ, trồng nấm, may công nghiệp, bảo vệ thực vật, trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su… Ngoài ra, thông qua chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã giải quyết việc làm ổn định cho 2.200 lao động. Bên cạnh đó, hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất như: giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; kiến thức sản xuất của người dân được nâng lên rõ rệt, giúp cho người dân dần thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Giai đoạn 2012 - 2020, toàn huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số từ 36,7% xuống còn 13,94%. Với chính sách giao khoán bảo vệ rừng tạo việc làm, tăng thu nhập đối với dân tộc thiểu số, các đơn vị chủ rừng đã giao khoán với diện tích trên 25.680 ha/597 hộ tạo việc làm ổn định và thường xuyên. Cùng với hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể còn tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, khuyến nông trang bị kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh cho bà con. Thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, Tánh Linh đã ưu tiên ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục phổ cập và các đối tượng đặc thù, tập trung vào nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Đã có 14/14 xã, thị trấn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học 99,9%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 100%. Việc quan tâm xây dựng nhà ở cho đồng bào đặc biệt quan tâm. Theo đó giai đoạn 2012 -2020, toàn huyện đã xây dựng cho 228 hộ đồng bào với 228 căn nhà thuộc đối tượng nhà tranh, tre nứa lá cần được cải thiện về nhà ở.
Việc triển khai các chương trình chính sách, dự án như thổi một luồng gió mới đến với vùng đồng bào dân tộc, giúp bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế; tư duy, tập quán canh tác của bà con cũng dần được đổi mới. Đây chính là tiền đề, động lực để bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Tánh Linh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện nhà.
NGỌC KHÁNH