Tân Sơn tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, kết hợp triển khai đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã được nâng lên.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Tân Sơn là huyện miền núi, với 17 xã, 172 thôn, bản, người dân tộc thiểu số chiếm 82,5%. Thời gian qua, được sự quan tâm của huyện, sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế tiếp tục duy trì và tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,16 triệu đồng/người/năm (năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% /năm, thu nhập bình quân đầu người từng bước tăng lên.

Đời sống đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp tục phát triển ở trình độ cao hơn, rút ngắn khoảng cách về tiếp cận các điều kiện xã hội giữa vùng xuôi và vùng miền núi, vùng cao.

 Cầu vượt lũ Lai Đồng, xã Lai Đồng đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2021 đến nay, huyện Tân Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hỗ trợ nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp mới, với các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp cho người dân như: Tập trung hỗ trợ, xây dựng và phát triển 2 chuỗi sản phẩm chủ lực “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè xanh” với quy mô 30ha tại xã Long Cốc, Văn Luông; “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ theo tiêu chuẩn FSC” với quy mô 800ha...

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện mô hình, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất giúp đồng bào nâng cao kỹ năng, tiếp cận kiến thức khoa học từ đó áp dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương.

Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số trong những năm qua tiếp tục được quan tâm. Các chương trình y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân, sức khỏe sinh sản, tiêm chủng... đều được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số, từ năm 2020 đến năm 2023 đã thực hiện chi trả cho 121 người với tổng số 242 triệu đồng. Tỷ lệ người tham gia BHYT vùng DTTS đạt trên 98%. Đồng thời hỗ trợ xây nhà mới cho 298 hộ DTTS nghèo; thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề 901 hộ...

 Mô hình VAC của chị Hà Thị Thúy ở khu Quẽ, xã Thu Cúc cho thu nhập gần 300 trăm triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn, thời gian qua, huyện đã tập trung nguồn lực quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. 100% số thôn bản vùng dân tộc thiểu số đã có đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới.

Các tuyến đường giao thông đến các trung tâm xã, thôn bản đã được cứng hóa thuận lợi cho việc đi lại. Tập trung các giải pháp để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn như: Đường Tân Phú - Xuân Đài; đường giao thông kết nối, phát triển du lịch đồi chè Long Cốc - Vườn Quốc gia Xuân Sơn (đoạn từ Long Cốc đi Xuân Đài); các cầu vượt lũ Kiệt Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn, Xuân Đài...

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn như: Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS tuy giảm nhưng vẫn còn cao. Sản xuất nông nghiệp chưa thành hàng hóa lớn, thu nhập trong sản xuất chưa phát huy và tương xứng được với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng...

Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào DTTS, trong thời gian tới, huyện sẽ giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đồng chí Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Mục tiêu từ nay đến năm 2029 phấn đấu bình quân mỗi năm giảm trên 2% hộ nghèo. Đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nâng cấp mở rộng 100% các tuyến đường đến trung tâm các xã, thôn, bản có lợi thế phát triển du lịch. Chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư đã và đang phục vụ hiệu quả đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn phát triển bền vững.

T.A