Tân Sơn thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 82% và từng là một trong 64 huyện nghèo của cả nước. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, đến nay, kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Người dân xã Long Cốc thu hoạch chè xuân.

Trong ngôi nhà kiên cố khang trang thay thế nhà lá xuống cấp vừa mới khánh thành đầu năm 2020, anh Lê Văn Chung ở khu 6, xã Tân Phú phấn khởi: “Nhiều năm luẩn quẩn với cái nghèo khiến cuộc sống ba bố con tôi tưởng như khó vươn lên được. Song, với khát khao thoát nghèo, tôi đã cố gắng lao động sản xuất, mỗi tháng thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Từ số tiền tích cóp dành dụm cộng với sự giúp đỡ của anh em và chính sách hỗ trợ cho vay làm nhà ở, bố con tôi giờ đã có mái ấm kiên cố, các cháu yên tâm học hành. Được biết, từ khi bắt tay khởi công xây dựng nhà, anh Chung đã tự ý thức xin thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo của khu. Không chỉ gia đình anh Chung mà những năm qua đã có hàng trăm hộ nghèo trong huyện đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn làm nhà ở với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Qua đó, đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”. Việc vận động, hướng dẫn người nghèo tích cực tham gia xây dựng nhà ở cho chính mình còn tạo cho họ có sự chủ động, tự tin để vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Những năm gần đây, nhờ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người nghèo trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, tạo sinh kế lâu dài vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,53% (năm 2015) xuống còn 13,59% (năm 2020), trung bình mỗi năm giảm trên 4%. 5 năm qua, huyện đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn lực trên 95 tỷ đồng; trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK, các thôn bản đặc biệt khó khăn và hỗ trợ phát triển sản xuất. Hàng chục công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình sau đầu tư đã phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai 5 điểm định canh, định cư tại các xã: Thạch Kiệt, Tân Sơn, Thu Cúc, Kiệt Sơn và Lai Đồng, giải quyết cho hơn 200 hộ dân có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế.

Hiện nay, huyện Tân Sơn có 185 khu có người uy tín tiêu biểu với thành phần đa dạng: Cán bộ nghỉ hưu, chức sắc, nhân sỹ, trí thức, trưởng khu, bí thư chi bộ... Đại đa số có trình độ hoặc hiểu biết về lĩnh vực nhất định, có đạo đức, kinh nghiệm sống phong phú, lòng nhiệt tình và sự gương mẫu, tận tâm được nhân dân tín nhiệm. Đội ngũ những người có uy tín đã trở thành “mắt xích” quan trọng, là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở. 

Bên cạnh đó, các chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, khám chữa bệnh cho người nghèo hay hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ đó, đảm bảo quyền lợi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo trên địa bàn huyện.

Mục tiêu thời gian tới, huyện Tân Sơn sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế đi đôi phát triển văn hoá, giữ gìn bản sắc dân tộc, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển kinh tế với nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, triển khai tổ chức sản xuất theo hướng hợp lý, hiệu quả. 

Huy Công