Tân Sơn nỗ lực thoát nghèo

(Mặt trận) -Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích tự nhiên trên 68 nghìn ha, có 17 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi gồm 26 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 83,5%. Từ năm 2008, Tân Sơn là một trong 64 huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Lãnh đạo huyện Tân Sơn kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty TNHH SLP Việt Nam (Cụm công nghiệp Tân Phú, Tân Sơn).

Xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỉ lệ hộ nghèo cao, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện Tân Sơn… nhân dân các dân tộc trong huyện ra sức thi đua, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa Tân Sơn thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2018 (vượt trước hai năm so với kế hoạch).

Bí thư Huyện ủy Tân Sơn Phạm Thanh Tùng chia sẻ: Thời gian qua, huyện đã lồng ghép hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn với các chương trình, dự án hỗ trợ người dân như: Phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc, cây lương thực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn… góp phần giảm nghèo bền vững.

Một trong những khâu đột phá mà huyện Tân Sơn tập trung thực hiện là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm qua đạt hơn 3.900 tỉ đồng (trong đó, tổng vốn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đạt hơn 1.200 tỉ đồng). Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn đang dần được hoàn thiện với 46km đường quốc lộ 32; 163km tỉnh lộ, huyện lộ được nâng cấp, cải tạo; 14 cây cầu dân sinh được xây dựng mới, góp phần khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ. Tỉ lệ cứng hóa đường giao thông của huyện đạt trên 77%.

Các công trình giao thông đã tạo sự kết nối liên thông giữa các địa phương và vùng sản xuất, góp phần kết nối giao thương và thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Nguồn lực lao động, nguồn nguyên liệu dồi dào được tập trung khai thác. Huyện đã thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm năm qua, số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trên 6.000 người (trong đó xuất khẩu lao động đạt trên 1.000 người), tăng 41,5% so với giai đoạn 2011- 2015.

Bằng việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ chương trình 30a, chương trình 135, các nguồn vốn dự án phi chính phủ… đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,53% năm 2015 xuống còn dưới 10% năm 2020. Hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm được 1,8%.

Hiện nay Tân Sơn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn này là trên 343,5 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 312 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh trên 31 tỉ đồng. Bí thư Huyện ủy Tân Sơn Phạm Thanh Tùng khẳng định, trong điều kiện khó khăn, thách thức phía trước, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả sức mạnh của hệ thống chính trị và nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%...

V.L