Sốp Cộp gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Mặt trận) -Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là huyện vùng cao biên giới có 8 xã, hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm Mông, Khơ Mú, Thái, Lào. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội, nghề truyền thống, các trò chơi dân gian...

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ lâu đời, với những giá trị văn hóa thể hiện trong phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống, như: “xên bản, xên mường”, “cầu mùa”, "cúng rừng" của dân tộc Thái; “khoai lang, khoai sọ” của dân tộc Khơ Mú; “khẩu hó” của dân tộc Lào…

 Các học sinh dân tộc Thái, Khơ Mú thêu khăn piêu và hoa văn bằng chỉ màu trên vải truyền thống.

Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp khai thác và phát huy nét văn hóa đặc trưng. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và sưu tầm giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc. Giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc. Phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động văn nghệ, các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, giải thể thao, ngày hội văn hóa để duy trì và phát triển các nét văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống, như: múa xòe, múa sạp, ném còn, tó má lẹ của dân tộc Thái; múa khèn, ném pa pao, tu lu của dân tộc Mông; múa lăm vông của dân tộc Lào; múa vêlr guông (au eo), điệu tơm, thổi Pí của dân tộc Khơ Mú.… Khuyến khích các nghệ nhân, người thạo nghề lâu năm truyền dạy cho thế hệ trẻ thêu may trang phục dân tộc, nghề rèn, chế biến món ăn truyền thống của người Thái, Lào, Mông, Khơ Mú.

 Trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú, xã Mường Và.

Bà Tòng Thị Quyên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sốp Cộp, cho biết: Đến nay, gần 90% số bản trong huyện có nhà văn hóa và được trang bị thiết chế văn hóa. Duy trì hoạt động của 178 đội văn nghệ các bản. Các lễ hội tổ chức theo nếp sống văn minh. Duy trì việc lồng ghép đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa của các trường học. 

Thầy giáo Lường Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Sốp Cộp, chia sẻ: Ngoài quy định học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc vào thứ 2 hằng tuần, các giáo viên bộ môn còn lồng ghép các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua các môn học. Triển khai dạy thêu, may thổ cẩm trong giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông. Tổ chức các hoạt động tìm hiểu, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

 Trang phục của một số dân tộc trên địa bàn huyện Sốp Cộp.

Cùng với tiếp tục khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm bản sắc, huyện Sốp Cộp còn thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hoàn thiện thiết chế văn hóa, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca, dân vũ… góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa, tạo bản sắc riêng cho mỗi dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trường Sơn