Sơn La: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Phát huy vai trò trong cộng đồng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn nêu gương sáng, giúp đỡ bà con địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và tham gia đảm bảo an ninh trật tự, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ông Sồng A Mang (thứ 3 trái sang), người có uy tín xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.

Hơn 3 năm qua, ông Vì Văn Bình, người uy tín bản biên giới Co Tôm, xã Chiềng On, huyện Yên Châu luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không nghe theo kẻ xấu. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với Đồn Biên phòng Chiềng On hướng dẫn, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông Bình chia sẻ: Bản có gần 190 hộ, hơn 900 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xinh Mun. Muốn bà con làm theo, thì mình phải gương mẫu làm trước. Những năm qua, gia đình tôi đã khai hoang trồng cây mận hậu; đưa các giống ngô mới vào gieo trồng; thấy hiệu quả, người dân trong bản đã học và làm theo. Bên cạnh đó, tôi vận động nhân dân tham gia cùng các lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới; hòa giải thành công một số mâu thuẫn phát sinh tại bản, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Tại huyện Bắc Yên, ông Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu, được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản từ năm 2015. Ông không chỉ tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tiên phong trong phát triển kinh tế, giúp nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ông Sồng A Mang chia sẻ: Để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và nhân dân trong bản, tôi xây dựng nhà xưởng, đầu tư 2 máy sấy quả sơn tra, máy sản xuất tinh bột và miến dong. Hằng năm, thu mua, chế biến hơn 1.200 tấn quả sơn tra và 1.200 tấn dong riềng của nhân dân trong xã, thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng.

Ông Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy xã Làng Chếu, cho biết: Xã có 5 người uy tín là các già làng, trưởng dòng họ, giúp cấp ủy, chính quyền xã nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, xã hội, tích cực phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống của nhân dân ngày một nâng cao, có điều kiện đóng góp công sức, vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 người có uy tín là già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi... luôn tích cực tham gia và vận động nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động; nhất là việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, chung sức xây dựng nông thôn mới; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Tiêu biểu như các ông: Hoàng Inh, xóm 4, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; Vì Văn An, bản Nà Pản, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã; Lò Văn So, bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn; Hà Ngọc Quý, bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu...

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở, các chính sách dân tộc cho người có uy tín tại các bản, tiểu khu. Qua đó, tạo điều kiện để người có uy tín vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh đã lựa chọn những người có uy tín tiêu biểu xuất sắc, tổ chức đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm trong tỉnh về các mô hình phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bằng kinh nghiệm, sự tận tâm, trách nhiệm, những người có uy tín thực sự là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thu Hiền