Sơn La: Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

(Mặt trận) -Trong những năm qua, tỉnh Sơn La luôn coi trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trực tiếp góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

 Ông Tráng Lao Lử (thứ 2 từ phải sang) người có uy tín ở bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng chanh leo.

Sơn La là một tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao. Dân số toàn tỉnh có 1,239 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 11 dân tộc thiểu số, chiếm 83,51% dân số cả tỉnh và bằng 7,33% dân tộc thiểu số của cả nước. Toàn tỉnh hiện nay có 2.551 người có uy tín, bao gồm: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản; nhân sỹ, trí thức; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; doanh nhân, người sản xuất; thầy mo, thầy cúng; chức sắc tôn giáo và thành phần khác. Đây là những người có uy tín, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và khả năng tập hợp nhân dân tin tưởng nghe và làm theo.

Bám sát đặc điểm địa bàn, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 về việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp ớ Sơn La đã thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận, trách nhiệm và tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín. Theo đó, người có uy tín đã có nhận thức và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình; tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; gương mẫu đi đầu để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, tổ nhân dân, tiểu khu noi theo; tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp và bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, hằng năm, việc bình xét, công nhận, bổ sung, thay thế người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La được tổ chức thực hiện dân chủ, nghiêm túc từ cơ sở. Bên cạnh đó, các chính sách đối với người có uy tín cũng được chú ý quan tâm. Các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời, đúng định mức theo quy định cụ thể.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cho người có uy tín thông qua các hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin và học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2021, tỉnh Sơn La đã tổ chức 114 hội nghị phổ biến cung cấp thông tin cho 11.971 lượt người uy tín trên địa bàn toàn tỉnh; 100% người có uy tín trên địa bàn tỉnh đều được nghe thông tin, tuyên truyền và hưởng các chính sách theo quy định; 100% người có uy tín được cấp các ẩn phẩm, báo tạp chí…

Hoạt động thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, động viên người có uy tín và gia đình khi gặp thiên tai, hoạn nạn... cũng được quan tâm. Giai đoạn 2011-2021, tỉnh Sơn La đã tổ chức 863 đoàn thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán cho 28.346 lượt người người uy tín; thăm hỏi, hỗ trợ 241 trường hợp gia đình người có uy tín gặp khó khăn…

Ông Tráng Lao Lử  người có uy tín ở bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) chia sẻ: “Được bà con tìn nhiệm bình bầu, chúng tôi tham gia các hoạt động bằng nhiệt huyết và trách nhiệm với quê hương, làng, bản. Sự quan tâm thường xuyên của các cấp đã giúp chúng tôi thêm quyết tâm để bám địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Người có uy tín ở Sơn La không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn là lực lượng nòng cốt trong thực hiện tuyên tuyền, vận động đồng bào ở khu dân cư xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường; xóa bỏ hủ tục lạc hậu…. Nhiều người có uy tín đã tích cực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ cũng là những người tiên phong hiến đất và vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều người có uy tín đã huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng trụ sở thôn, nhà văn hóa, sửa chữa và cải tạo trường học, các tuyến đường liên thôn, liên xã.

Theo đồng chí Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, gương mẫu trong các hoạt động, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh đã giữ vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và là lực lượng nòng cốt, cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, người có uy tín cũng đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được tầm quan trọng của các giá trị văn hoá và tham gia giữ gìn, bảo tồn, tôn trọng, tôn tạo các giá trị văn hoá của dân tộc; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; từ bỏ các hủ tục lạc hậu. Tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các quy ước, hương ước cộng đồng, nhằm từng bước vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, xoá bỏ các tục lệ lạc hậu, mê tín, dị đoan trong vùng đồng bào dân tộc.

Có thể thấy, bằng uy tín và trách nhiệm của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La đã và đang phát huy vai trò tiên phong để "nói dân tin, làm dân theo". Không chỉ là “hạt nhân” đoàn kết, họ còn trực tiếp có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định, phát triển của các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh./.

 Minh Hà