Sóc Trăng:Tăng cường thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Tỉnh Sóc Trăng với đặc điểm là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh. Đến cuối năm 2021, nếu tính theo tiêu chí mới thì toàn tỉnh Sóc Trăng còn 22.120 hộ nghèo, tỷ lệ 6,64% (DTTS 10.412 hộ, chiếm 47,07%) và 29.403 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,83% (DTTS 12.067 hộ, chiếm 41,04%).

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

 Vùng đồng bào DTTS từng bước chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhằm tăng cường tính hiệu quả trong thực hiện chính sách, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 9-7-2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 3-3-2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Kế hoạch đề ra một số mục tiêu chủ yếu như: nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 267 công trình đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân; giải quyết đất ở cho hơn 1.600 hộ; giải quyết nhà ở cho hơn 1.800 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 1.200 hộ; bảo tồn 4 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ 2 dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS…

Theo đồng chí Phan Thị Xinh Hưởng - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Vĩnh Châu, căn cứ vào Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 33 của UBND tỉnh, Thị ủy, UBND thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành và cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Kết quả có 73 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, 784 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, 147 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, 351 hộ có nhu cầu hỗ trợ hỗ trợ chuyển đổi nghề và 120 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. TX. Vĩnh Châu sẽ tiếp tục triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Đồng chí Liêu Trinh Húy - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết, huyện cũng đang thực hiện Kế hoạch số 33 của UBND tỉnh. Huyện xác định tập trung thực hiện tốt việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, lao động dân tộc Khmer. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đặc thù của địa phương, như xây dựng nhà hỏa táng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer.

Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, tỉnh Sóc Trăng cũng xác định những yếu tố tác động trực tiếp đến đời sống đồng bào DTTS cần tập trung thực hiện như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu… Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn kết với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trong đồng bào DTTS; hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái; chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị…

Với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương, cùng với sự chủ động, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sự đồng thuận chung sức của nhân dân trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tin rằng tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS, góp phần thực hiện mục tiêu “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc”.

P.L