Sóc Trăng ưu tiên phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Phấn đấu 100% trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo đó, công tác giáo dục trong vùng có đông đồng bào Khmer cũng được Đảng, Nhà nước và các địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao trình độ dân trí, giúp đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu giúp nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã thường xuyên chú trọng đến hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ đó, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, không còn khoảng cách giữa các vùng.

 Công tác giáo dục dân tộc luôn được Sóc Trăng quan tâm và triển khai hiệu quả

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh có từ 10.000 đồng bào dân tộc thiểu số trở lên đều có trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT). Hiện, toàn tỉnh có 10 trường PTDTNT phủ khắp hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có huyện Cù Lao Dung và thị xã Ngã Năm do số lượng đồng bào dân tộc còn thấp nên không lập trường PTDTNT tại 2 địa bàn này. Tuy vậy, hằng năm Sở đã chỉ đạo các huyện lân cận thực hiện công tác tuyển sinh ở hai địa phương này. Hiện toàn tỉnh có 5 trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia. Theo định hướng phát triển, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 100% trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia. Điều đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh hiện nay có 149 trường dạy tiếng dân tộc Khmer. Điều này thể hiện được sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của tỉnh đối với công tác giáo dục và đào tạo.

Công tác nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường PTDTNT luôn được quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Các trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tăng cường các hoạt động giáo dục cho học sinh; thông tin kịp thời kết quả học tập đến phụ huynh để cùng phối hợp dạy và học hiệu quả.

Sở thường xuyên hướng dẫn và khuyến khích các trường tổ chức các chuyên đề theo cụm trường, chuyên đề cấp huyện, tỉnh; sinh hoạt chuyên môn liên trường trong hệ thống các trường PTDTNT để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác dạy và học. Hầu hết các đơn vị đều tích cực tham gia các hoạt động này và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, kết quả học tập tại các trường PTDTNT cũng được tăng cao, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm từ 70 - 80%.

Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là địa phương đặc thù nên công tác giáo dục và đào tạo trong đồng bào dân tộc luôn được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Hiện ngành đang xây dựng đề án về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông mới, định hướng theo trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh nguồn đầu tư của ngân sách nhà nước, ngành cũng kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục dân tộc. Tuy nhiên, việc vận động xã hội hóa để phát triển giáo dục dân tộc đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh đào tạo tiếng Khmer cho đồng bào dân tộc

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng dân tộc và các trường PTDTNT, tỉnh Sóc Trăng còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc để góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và đặc trưng văn hóa đa dân tộc tại địa phương. Thời gian qua, việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói đây là niềm mong mỏi lớn lao của đồng bào dân tộc. Điều này nhằm bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15.10.2010 của Chính phủ. Điều đáng mừng là số lượng học sinh tham gia học tiếng dân tộc thiểu số hàng năm trong các trường phổ thông luôn ổn định khoảng 40.000 học sinh dân tộc Khmer học tiếng Khmer và hơn 1.000 học sinh dân tộc Hoa học tiếng Hoa.  

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, để giúp cho cán bộ biết viết, biết nói tiếng Khmer và thuận tiện hơn trong công tác giao tiếp, trao đổi của đơn vị, tỉnh đã triển khai thực hiện đề án “Đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Đề án được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 năm 2019 - 2020 và giai đoạn 2 năm 2021 - 2025), do Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng làm Trưởng ban Chỉ đạo đề án. Đề án tập trung đào tạo 3 lớp là lớp tiếng Khmer căn bản, lớp nâng cao và lớp biên - phiên dịch.

Trong giai đoạn 1, đề án đã đào tạo tiếng Khmer cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Học viên có thể giao tiếp, viết và đọc tiếng Khmer, phục vụ tốt hơn trong công việc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ban Chỉ đạo đề án giao cho Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng thẩm định nội dung, chương trình đào tạo. Lớp học do giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Khmer nên chất lượng đào tạo đạt kết quả tốt. Theo Ban Chỉ đạo đề án, trong giai đoạn 2, tỉnh sẽ đào tạo thêm 830 học viên: trình độ căn bản 420 học viên, trình độ nâng cao là 240 và 170 học viên lớp biên - phiên dịch đang công tác trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Vũ Châu