Sóc Trăng: Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội

Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn tỉnh là gần 243 tỷ đồng; trong đó, vốn phân bổ chính thức trên 233 tỷ đồng, vốn chưa phân bổ gần 10 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn tín dụng, tỉnh được giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho vay ưu đãi với tổng số tiền 56 tỷ đồng.

 Bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng

Sóc Trăng phấn đấu hết năm nay sẽ giải ngân vốn Trung ương gần 162,9 tỷ đồng, đạt 78%; ngân sách địa phương và vốn huy động giải ngân trên 27,4 tỷ đồng, đạt 79% so với kế hoạch vốn năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình còn một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều văn bản quy định cơ chế, hướng dẫn của Trung ương không quy định định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất của Dự án 1 và không quy định về định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3); chưa có văn bản quy định định mức hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đồng thời, tỉnh chưa ban hành văn bản quy định định mức bình quân diện tích đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất; chưa ban hành quy định phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các hộ hỗ trợ đất, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán và danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ các nội dung trên; chưa ban hành các văn bản quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù...

Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số

Trung tuần tháng 10/2022, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam bộ tiếp nhận và phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo có nguy cơ thiếu đói trong thời giáp hạt. Theo đó, 208.5 tấn gạo đã được phân bổ kịp thời để cấp phát cho các hộ nghèo trên địa bàn thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Long Phú, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Tú, huyện Châu Thành. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người dân đang gặp khó khăn có nguy cơ thiếu đói trong những tháng giáp hạt sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nhằm giúp cho nhân dân ổn định đời sống.

Trước đó, Ban Dân tộc đã phối hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao 02 căn nhà trong tổng số 10 căn nhà cho hộ nghèo dân tộc thiểu số từ nguồn kinh phí do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam tài trợ. Các hộ dân được tặng nhà đợt này đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở gồm: Bà Thạch Thị Hồng Mai, ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề; bà Lý Thị Tăng, Ấp Cần Giờ 1, Xã Tham Đôn, Huyện Mỹ Xuyên.

Sau gần 2 tháng thi công, 2 ngôi nhà được khánh thành và đưa vào sử dụng, giúp các hộ gia đình ổn định cuộc sống. Đây là niềm động viên, an ủi về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình hộ nghèo dân tộc thiểu số, giúp họ yên tâm, tập trung cho lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, liên vùng phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS như: Giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa...

Hương Giang