Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Qua gần 4 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho người dân... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận: Chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lục Yên thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025

Phú Thọ: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

 Nuôi bò sữa là một trong những mô hình được nhiều gia đình đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lựa chọn để phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Nghi.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2024, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn lực của Chương trình, tỉnh Sóc Trăng đã lồng ghép đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS. Nhờ đó, đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 99% hộ gia đình vùng DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang có những đổi thay tích cực trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề trong đồng bào DTTS.

Vì vậy, khi thực hiện Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, MTTQ các cấp đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức thành viên nâng cao nhận thức về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, đảm bảo các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, phân bổ đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất để cải thiện đời sống và phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS.

Do đó, từ khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tại huyện Long Phú, với đặc thù là huyện có gần 30% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, huyện Long Phú đã triển khai xây dựng được 49 căn nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Theo ông Thạch Hoàng Tha - Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Phú, Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai trên toàn huyện với tổng kinh phí gần 66 tỷ đồng.

“Nhờ sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng có đông đồng bào DTTS của huyện Long Phú từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên. Đây chính là tiền đề, là động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo” - ông Tha nói.

Đánh giá hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 cho biết, để đảm bảo Chương trình được triển khai chất lượng, hiệu quả các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường, đổi mới trong công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn xã hội về công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các hộ dân cần có sự chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đã được triển khai kịp thời và đúng đối tượng. Từ đó, góp phần hun đúc thêm niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển.

T.M