Sóc Trăng: Đẩy mạnh giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) -Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Mô hình chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo.

Thực hiện Kế hoạch số 352 ngày 1/6/2023 về việc giám sát Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai giám sát tại một số huyện, xã có đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Qua giám sát cho thấy, UBND các huyện đã chủ động, kịp thời thành lập, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các dự án, chính sách, chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kịp thời kiến nghị với chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền ngăn chặn những việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các huyện còn phối hợp với phòng Dân tộc huyện chủ trì, phối hợp hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc rà soát đối tượng thụ hưởng theo tiêu chí, quy định, dự kiến mô hình, công trình và tổ chức họp dân lấy ý kiến trước khi triển khai thực hiện. Đến nay, cơ chế hướng dẫn triển khai Chương trình cơ bản đầy đủ, UBND các huyện đang tập trung chỉ đạo giải ngân vốn còn lại của năm 2022 và năm 2023 cơ bản đúng tiến độ quy định. Tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề thuộc Dự án 1 và các nội dung khác còn chậm giải ngân.

Đặc biệt, mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng đã có buổi giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại xã Thạnh Phú và xã Tham Đôn. Theo đó, xã Thạnh Phú được UBND huyện phê duyệt dự toán và bổ sung có mục tiêu kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2022 để thực hiện dự án nước sinh hoạt phân tán là 18 triệu đồng để hỗ trợ cho 6 hộ và triển khai thực hiện mua bồn chứa nước, chuyển đổi nghề thuộc dự án 1, hỗ trợ cho 5 hộ với số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra xã còn triển khai xây dựng nhà ở cho 11 hộ được phê duyệt, đến nay tiến độ xây dựng trên 80%.

Qua giám sát, đoàn giám sát mong muốn các địa phương phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện tốt các Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719; chủ động liên hệ, phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh trong tổ chức triển khai, thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, đảm bảo các tiêu chí, định mức thực hiện đúng quy định. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT trong triển khai, thực hiện các Chương trình; phối hợp với Mặt trận các cấp và các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng công trình, dự án được triển khai trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định.

Ông Trần Khắc Trung - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Chương trình MTQG 1719 là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Chương trình tích hợp 118 chính sách với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung chính sách thành phần, trong đó có nhiều chính sách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS. Chương trình đã góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS trên địa bàn phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn đầu tư theo lộ trình kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tỉnh sẽ lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chương trình, dự án khác. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội để triển khai đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS…

QUỲNH ANH