Rơ Châm Kruih: Già làng "Dân vận khéo"

(Mặt trận) -Bất luận là mâu thuẫn lớn hay nhỏ, người dân làng Jek (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đều tìm đến già làng Rơ Châm Kruih nhờ phân xử. Bằng vốn hiểu biết và sự công tâm, ông đã giúp cho tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Ông Rơ Châm Kruih trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con dân làng

Ông Rơ Châm Kruih sinh ra và lớn lên tại huyện Chư Păh. nhưng lại “bắt vợ” làng Jek. 45 năm gắn bó với làng, ông đã chứng kiến nhiều biến chuyển, trong đó có đóng góp của mình cho những đổi thay của làng. Trong khoảng thời gian làm Trưởng ban Công tác Mặt trận và hơn 8 năm làm già làng, ông đã giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, chăm lo phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Năm 2020, ông Rơ Châm Kruih được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2018 đến 2020.

Làng Jek có 171 hộ, trong đó, người Jrai chiếm 98%. Người dân thu nhập chủ yếu từ cây cà phê và lúa. Ông Kruih chia sẻ: “Mình thường nói với bà con, muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải mạnh dạn học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật để máy móc làm thay chân tay, có như thế mới tăng năng suất, tạo ra nhiều lúa, nhiều cà phê. Đặc biệt, mình thường xuyên nhắc nhở bà con sử dụng có hiệu quả các mặt hàng được Nhà nước hỗ trợ như: bò, giống bắp, phân bón”. Nhờ đó, cuộc sống của người dân từng bước cải thiện, gần 100 hộ có mức thu nhập 70-140 triệu đồng/năm.

Diện mạo làng Jek cũng đổi thay rõ rệt. Ông Kruih chứng minh: 80% đường giao thông trong làng đã được bê tông hóa. Các tuyến đường thường xuyên được dọn vệ sinh sạch sẽ, không còn tình trạng xả rác bừa bãi và người dân cũng không thả rông gia súc. Tại một số tuyến đường, người dân còn trồng hoa 2 bên tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.

Chị Rơ Lan Ríu chia sẻ: “Già Kruih khuyên nhủ bà con phải chịu khó lao động, cải tạo vườn tạp, trồng cây phải chăm sóc, bón phân, tưới nước; phải nuôi thêm con heo, con bò để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Mọi người phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Già nói đúng nên dân làng ai cũng tin, cũng nghe theo”.

Nhắc đến vai trò, tiếng nói của già làng Rơ Châm Kruih có lẽ phải kể đến việc ông vận động gần 50 hộ dân đồng thuận để mương dẫn nước đi ngang qua vườn cà phê. Trao đổi về điều này, ông Trần Văn Vượng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Sao-cho hay: Năm 2018, công trình kênh thủy lợi làng Ó được triển khai xây dựng với chiều dài hơn 7 km, dẫn nước từ kênh chính hồ chứa nước Biển Hồ (TP. Pleiku) về cánh đồng Ya Chor. Khoảng 50 hộ dân trong làng bị ảnh hưởng khi phải chặt bỏ cây trồng vì kênh dẫn nước đi ngang qua vườn.

“Ban đầu, các hộ dân không đồng thuận, vì trong làng đã có 2 con mương dẫn nước, đủ cung cấp nước tưới cho diện tích cà phê, cây lúa. Hơn nữa, cây trồng phải chặt bỏ lại không được đền bù mà chỉ hỗ trợ một phần. Già Kruih đến từng nhà để giải thích, người dân đã vui vẻ đồng thuận vì lợi ích chung”-ông Vượng cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, “sức nặng” trong tiếng nói của ông Kruih không dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động mà còn với vai trò “quan tòa” phân xử các vụ mâu thuẫn lớn, nhỏ trong làng. Ông Kruih bày tỏ: “Mỗi tháng, mình chỉ phân xử 1-2 vụ, chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng”.

Già làng Rơ Châm Kruih cho rằng, khi hòa giải các vụ mâu thuẫn cần kiên nhẫn lắng nghe từ hai phía, sau đó mới tiến hành phân tích và tùy vào tình hình để có từng cách giải quyết. Nếu cặp vợ chồng ấy chỉ vì giận hờn, tức giận nhất thời mà đòi bỏ nhau, già sẽ phân tích, khuyên nhủ để cả hai nhận ra và tha thứ cho nhau, tiếp tục vun vén gia đình, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng đã không còn tình cảm, già cũng không ép buộc, thay vào đó chỉ phân xử để hai bên không xảy ra tranh chấp, không đòi hỏi mức đền bù quá cao dẫn đến việc phải bán heo, bán bò.

HUY ANH