(Mặt trận) -Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Quảng Trị nỗ lực thực hiện Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số (DTTS); phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN), giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Những kết quả bước đầu cho thấy, thể trạng, tầm vóc người DTTS, nhất là tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể.
|
Khám sức khỏe cho trẻ em ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa thuộc hoạt động của Dự án 7 -Ảnh: N.T |
Toàn vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị có 31 xã, thị trấn, dân số chiếm 14% dân số toàn tỉnh với 2 cộng đồng dân tộc chủ yếu là người Vân Kiều, Tà ôi/Pa Kô. Do đặc thù vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.
Để triển khai thực hiện Dự án 7 có hiệu quả, Sở Y tế đã ban hành quyết định phân công lãnh đạo, các phòng và các đơn vị trực thuộc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025; phân bổ kinh phí Dự án 7; kế hoạch triển khai Dự án 7 và mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025... Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế, TTYT các huyện liên quan tích cực triển khai các hoạt động của dự án và đạt được những kết quả bước đầu.
Điển hình tại Hướng Hóa, TTYT huyện tập trung hỗ trợ kinh phí cho các điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế xã; hỗ trợ kinh phí cho cô đỡ thôn, bản; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên dân số; nói chuyện chuyên đề về lợi ích tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho vị thành niên, thanh niên; hội nghị chuyên đề tuyên truyền, vận động chính sách pháp luật về dân số và dân số - phát triển trong tình hình mới cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, người uy tín, công tác viên dân số thôn, bản.
Nói chuyện chuyên đề tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi (NCT) phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho NCT; cung cấp thông tin về hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể thôn, bản của 7 xã: Ba Tầng, A Dơi, xã Lìa, xã Thanh, xã Thuận, xã Húc và Hướng Phùng. Tổ chức khám sức khỏe sàng lọc một số bệnh cho NCT ở 14 xã vùng đồng bào DTTS.
Đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho người DTTS, TTYT huyện thực hiện tư vấn, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu thai kỳ cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi tại cộng đồng.
Mua, vận chuyển các sản phẩm dinh dưỡng cấp miễn phí cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh 1 tháng, trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính. Tổ chức các buổi hướng dẫn trình diễn thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm, thực phẩm tại địa phương. Khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi.
Tuyên truyền vận động, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em “Tuần lễ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ”. Hỗ trợ truyền thông, vận động bà mẹ đi khám thai định kỳ và đến đẻ tại cơ sở y tế. Cung cấp que thử protein niệu cho 14 trạm y tế xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cô đỡ thôn, bản. Cung cấp gói đẻ sạch cho cô đỡ thôn, bản và 14 Trạm Y tế xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn...
Thực hiện Dự án 7, Sở Y tế được phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023 là 3.820 triệu đồng. Sau hơn 1 năm triển khai, sở đã thực hiện các hoạt động như: khảo sát nhu cầu và gửi nhu cầu đào tạo cho Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế). Cấp phát 8.787 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về các hoạt động của dự án. Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản 5 người/11 người tại huyện Hướng Hóa (do có 6 người đã hưởng chế độ y tế thôn, bản).
Hỗ trợ 33/33 điểm tiêm chủng ngoài trạm tại huyện Đakrông, Hướng Hóa. Tổ chức đa dạng các hoạt động, đầy đủ các nội dung nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tuyên truyền phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ NCT. Hướng dẫn NCT kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe.
Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khoẻ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế xã trong việc thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho NCT.
Tổ chức các hội nghị chuyên đề tuyên truyền vận động chính sách, pháp luật về dân số và phát triển trong tình hình mới cho các ban, ngành, đoàn thể, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ.
Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý dân số. Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý các hoạt động, chiến dịch truyền thông. Tổ chức chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS...
Nhờ vậy, tỉ lệ phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ đạt 88%. Tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 99%. Tỉ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh tại nhà 3 lần trong 42 ngày sau đẻ đạt 99%.
Tỉ lệ phụ nữ mang thai ở địa bàn chương trình vùng DTTS và miền núi được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, khám thai, xét nghiệm 3 bệnh và dinh dưỡng đạt 100%. Tỉ lệ trẻ em ở vùng DTTS và miền núi được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 100%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Dự án 7 tại Quảng Trị còn gặp không ít khó khăn. Do đó, thời gian tới, Sở Y tế triển khai các giải pháp như: tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động của dự án.
Chỉ đạo việc giải ngân nguồn kinh phí cấp trên giao theo quy định để triển khai dự án hiệu quả và đạt các chỉ tiêu về y tế, sức khỏe, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miềm núi trên đia bàn tỉnh Quảng Trị.
Tuấn Anh