Quảng trị: Đã có những công trình mới đầu tư từ Chương trình MTQG được đưa vào sử dụng

(Mặt trận) -Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG) hoàn thiện đưa vào sử dụng. Việc có thêm những công trình góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS sinh sống ở địa phương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Được đầu tư từ nguồn vốn chương trình MTQG, tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá đã được đổ bê tông phẳng lỳ

Ngược Đường 9 trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi có mặt ở tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) đúng dịp tuyến đường vừa bàn giao đưa vào sử dụng. Là tuyến đường được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá có chiều dài 250 m, chiều rộng mặt đường rộng 4,5 m và được đổ bê tông phẳng lỳ, nối liền hai bản Ka Tăng và Khe Đá.

Là hai bản sát biên giới, người dân sinh sống ở Ka Tăng và Khe Đá đa phần là đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Cô. Trước đây, tuyến đường liên bản này là nỗi ám ảnh của đồng bào vì ổ gà, lầy lội. Đi lại khó khăn khiến cho cuộc sống của bà con có nhiều bất tiện. Các cháu học sinh đến trường cũng trở nên xa xôi vất vả, đặc biệt là về mùa mưa làm cho giao thông bị cách trở, sinh hoạt của đồng bào bị đảo lộn. 

Khi Chương trình MTQG được triển khai năm 2022, tuyến đường đã được địa phương thống nhất với Nhân dân đưa ngay vào diện được đầu tư xây dựng. Sau nhiều tháng thi công, đến đầu năm 2023, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vừa vui Xuân, người Bru Vân Kiều, Pa Cô ở hai bản Ka Tăng, Khe Đá lại có thêm niềm vui mới, là có con đường phẳng lỳ để đi lại thuận tiện.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, anh Hồ Văn Híp - người Pa Cô ở bản Khe Đá cho biết: “Đoạn đường đã làm xong, dân miềng vui lắm. Từ nay có đường đẹp để đi rồi, không như trước lầy lội, nắng thì bụi mù”. 

Cùng chung niềm vui với anh Híp, anh Hồ Văn Hiệp người Bru Vân Kiều ở cùng bản Khe Đá tâm sự, Nhà nước đã làm đường đẹp cho rồi, gia đình tôi cũng mua xi măng, cát và bỏ công để làm vỉa hè trước nhà mình cho đẹp luôn. Nói rồi, anh Hiệp lại thoăn thoắt đảo mẻ hồ đang dở để hoàn thành phần vỉa hè trước nhà mình như lời anh nói.

Rời tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá khi trời dần đứng bóng, ngược lên dòng Sepon thơ mộng, theo sự chỉ dẫn của anh  Nguyễn Xuân Nghĩa, cán bộ địa chính thị trấn Lao Bảo, đường vào bản Ka Túp thẳng như thước kẻ, nhựa rải phẳng lỳ. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn của người Bru Vân Kiều nằm san sát. Điểm giữa đoạn đường là nhà cộng đồng của bản khang trang.

 Đường vào bản Ka Túp được đầu tư mở rộng, đổ nhựa phẳng lỳ. sạch đẹp.

Nhà cộng đồng bản Ka Tup được xây dựng cách đây khá lâu, nên nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG, nhà văn hóa của bản được đầu tư nâng cấp trở nên khang trang hơn. Do được triển khai sớm nên đến thời điểm này, cũng đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng. Là “bộ mặt”, là nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Bru Vân Kiều, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp đẹp hơn nên đồng bào cũng phấn khởi.

Chị Hồ Thị Khăng ở bản Ka Túp chia sẻ, nhà cộng đồng của bản vừa mới được sửa chữa, giờ đẹp lắm. Chú thấy đó, rộng rãi và sạch sẽ. Mỗi dịp họp bản, bà con cũng thấy phấn khởi hơn. 

 Nhà cộng đồng bản Ka Tup đã được đầu tư trùng tu, nâng cấp trở nên khang trang hơn

Ngoài tuyến đường liên bản Ka Tăng - Khe Đá; Nhà cộng đồng bản Ka Túp, ở Lao Bảo còn có thêm công trình Nhà cộng đồng bản Ka Tăng; Nhà cộng đồng bản Khe Đá (trùng tu, nâng cấp) cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Từ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số, Chương trình MTQG ở Lao Bảo đã thực hiện đúng tiến độ. Những công trình đầu tiên trong Chương trình MTQG đưa vào sử dụng kịp thời, đang làm cho diện mạo bản làng thay đổi và chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS sẽ được nâng lên.

N.B