Quảng Ninh: Phát huy tinh thần đại đoàn kết tôn giáo

(Mặt trận) -Trên địa bàn Quảng Ninh có 4 tôn giáo chính hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, với tổng số tín đồ hơn 190.000 người (gần 16,6% dân số toàn tỉnh). Hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo tại Quảng Ninh luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng hành, sẻ chia trách nhiệm với xã hội theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Lễ Phật đản là ngày lễ lớn của Phật giáo. Nhân ngày này, những năm gần đây linh mục quản hạt chính xứ Hòn Gai Giuse Dương Hữu Tình thay mặt chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo trên địa bàn Quảng Ninh đã đến thăm và chúc mừng Phật giáo, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến chư tôn đức tăng ni và đồng bào phật tử toàn tỉnh.

 Linh mục quản hạt chính xứ Hòn Gai Giuse Dương Hữu Tình chúc mừng Đại diện ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhân lễ Phật Đản.

Ngược lại, vào các dịp lễ trọng của đồng bào Công giáo, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh luôn tổ chức đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà. Mối liên kết, tương tác qua lại giữa Công giáo, Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung trên địa bàn Quảng Ninh thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng hướng tới sự phát triển chung, ổn định xã hội, nâng cao vị thế các tổ chức tôn giáo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Những năm gần đây, trong các phong trào thi đua do Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh phát động, các tổ chức tôn giáo đều tham gia hưởng ứng tích cực. Tiêu biểu như đối với hoạt động xây dựng nhà đại đoàn kết, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động thiện nguyện, đảm bảo an sinh xã hội trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Năm 2023, các tổ chức Công giáo, Phật giáo đã trao hàng chục ngôi nhà đại đoàn kết cho người dân gặp khó khăn...  

Các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia chương trình hỗ trợ, chăm sóc người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; thăm tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách vào dịp lễ, tết; cải tạo các điểm trường ở vùng khó... Tại các địa bàn có nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động, dù người dân ở tôn giáo nào thì cũng đều hướng về tinh thần bác ái, tạo sức lan tỏa ý nghĩa trong xã hội. Mọi người đoàn kết, giúp đỡ nhau tham gia phát triển sản xuất, sẻ chia những lúc khó khăn, chúc mừng nhau khi đạt kết quả tốt, tạo nên nguồn sức mạnh tập thể, đoàn kết, xây dựng vùng dân cư vững mạnh giàu đẹp.

Xã Việt Dân (TX Đông Triều) là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Thành công của Việt Dân có sự đóng góp lớn của đồng bào Công giáo trên địa bàn. Cùng với Việt Dân, nhiều xã, thôn khác có đồng bào Công giáo sinh sống đều đi đầu trong công tác xây dựng NTM, giảm nghèo, xoá nhà dột nát, đoàn kết cùng giúp nhau nâng cao thu nhập, nâng cao mức độ hưởng thụ, tạo nên bức tranh kinh tế đa dạng, làm thay đổi cuộc sống ở nông thôn.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 43.000 tín đồ Công giáo, 19 vị linh mục phụ trách, quản nhiệm 16 giáo xứ, 38 giáo họ, 1 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đến nay, đồng bào Công giáo trong tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo; 100% xã có đồng bào Công giáo đều đã đạt chuẩn xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Các vùng đô thị có đông giáo dân cũng là điển hình về các phong trào văn minh đô thị.

Đối với hoạt động bảo vệ môi trường, cộng đồng các tổ chức tôn giáo đã tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen, tập quán từ việc hung táng sang hỏa táng, bảo đảm vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động thu gom rác thải, làm sạch biển, trồng cây, chống rác thải nhựa... Hiện 16 giáo xứ và 155 chùa đều chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường. Chức sắc, giáo dân ở những vùng này không chỉ chú trọng thực hiện xanh, sạch, đẹp tại cơ sở tôn giáo của mình, mà còn là nhân tố gương mẫu, đi đầu, chung tay trong các hoạt động trồng cây xanh, thu gom rác thải tại địa bàn khu dân cư.

Cùng với các hoạt động trên, ngày 9/10/2022, chùa Trúc Lâm đảo Trần đã chính thức được khởi công trên cơ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh huy động nguồn kinh phí xây dựng. Theo Thượng toạ Thích Thanh Lịch, người được giao chủ trì triển khai công trình, nhà chùa tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ các lực lượng xã hội, phối hợp với các tổ chức tôn giáo của tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình…

Được biết, chùa Trúc Lâm đảo Trần có diện tích xây dựng 2,72ha với 22 công trình chính và phụ trợ, chất liệu gỗ, đá, gạch nung, bảo đảm mỹ thuật và sự bền vững với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng biển đảo. Đây là ngôi chùa có ý nghĩa to lớn, được dựng ở đảo Trần, vùng tiền tiêu của biên ải phía Bắc, không những thoả mãn nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là người dân vùng biển nơi xa xôi với đất liền, mà đó còn là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền đất nước.

Việt Hoa