Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng dân số vùng DTTS

(Mặt trận) -Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Thời gian qua, ngành Dân số tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Từ đó, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác DS-KHHGĐ, từng bước đảm bảo chất lượng dân số.

Đak Đoa quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

 Duy trì mức sinh ổn định thông qua hoạt động tư vấn SKSS cho người dân tộc thiểu số tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân vùng dân tộc thiểu số về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”, các địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là về Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống bằng nhiều hình thức, như: Cho vay vốn; hỗ trợ cây, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Trước đây, thôn Thìn Thủ (xã Quảng An, huyện Đầm Hà), tình trạng tảo hôn còn diễn ra do nhận thức của người dân còn hạn chế. Đến nay, nhờ sự tuyên truyền tích cực của đơn vị y tế, cán bộ dân số; xã phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, nên tình trạng tảo hôn đã không còn.

Ông Triệu Văn Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thìn Thủ, cho biết: Thôn tuyên truyền đến từng hộ gia đình về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giúp bà con nâng cao ý thức, ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ bà con phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng… nhằm nâng cao thu nhập. Đồng thời tuyên truyền, vận động 100% các hộ cho con em tới trường đúng độ tuổi...

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 56 xã, 48 thôn vùng dân tộc thiểu số. Các xã đều tập trung phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng sống, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ dạy nghề cho người dân; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), như già làng, trưởng bản, trưởng thôn… Nhờ đó, người dân đã có nhận thức đúng, đầy đủ, kết hôn đúng độ tuổi theo quy định.

Để thực hiện hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, ngành Dân số tỉnh Quảng Ninh chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Qua đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao; nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề, đã có 2 con đều có suy nghĩ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Tại nhiều địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên…, hoạt động truyền thông cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức sức khỏe sinh sản đến người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện hiệu quả, tích cực. Huyện Ba Chẽ giai đoạn 2015-2020 triển khai tốt các chương trình, đề án, kế hoạch công tác DS-KHHGĐ; có tổng số 2.891 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại.

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; thực hiện tốt truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu; tích cực triển khai các hoạt động của Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết...

Vân Anh