Quảng Ngãi: Chăm lo cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Quảng Ngãi xác định, chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Tăng cường dạy tiếng Việt

Tại lớp mẫu giáo ở Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng), ngoài phát âm bằng tiếng Việt, các cô giáo còn dùng cả tiếng mẹ đẻ của học sinh (tiếng Cor) để diễn đạt cho các em hiểu. Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Sơn Đinh Thị Tùng cho biết, toàn trường có hơn 95% học sinh là người đồng bào DTTS. Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, nhà trường lồng ghép việc dạy tiếng Việt vào tất cả các hoạt động của các em từ các buổi học, giờ ăn, giờ chơi, thông qua các hình ảnh trực quan, sinh động. Qua đó, giúp học sinh luyện nói, luyện nghe và thực hành các kỹ năng hỏi, đáp bằng tiếng Việt. Điều thuận lợi là, trường có 10 giáo viên là người DTTS, nên hỗ trợ rất nhiều cho việc giao tiếp và dạy tiếng Việt cho học sinh.

 Cô và trò Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) trong một tiết học.
Để nâng cao chất lượng giáo dục ở các huyện miền núi, hằng năm, Sở GD&ĐT tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với học sinh DTTS. Các trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Việt... để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.

Đặc biệt, “Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh mầm non vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025” hiện đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Đối với bậc mầm non, ngành GD&ĐT thực hiện chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS và miền núi, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1.

Đầu tư cơ sở vật chất

Những năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS cũng được ngành GD&ĐT chú trọng. Từ nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, ngành giáo dục đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Sở GD&ĐT đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho 3 trường THPT: Ba Tơ, Minh Long, Tây Trà (Trà Bồng) và Trường THCS - THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà). Với nhiều hạng mục được xây dựng, sửa chữa như nhà bán trú, công trình vệ sinh, nước sạch, khu nhà bán trú học sinh, thư viện... Qua đó, tạo môi trường học tập ngày càng tốt hơn cho học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sở GD&ĐT cũng đã đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục, phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh vùng đồng bào DTTS. Cuối năm 2022, Sở đã ký hợp đồng mua sắm 11 máy tính để bàn và 11 màn hình hiển thị để cấp cho 9 trường THPT ở 5 huyện miền núi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi. Trong đó, tập trung thực hiện Dự án 5 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, Sở GD&ĐT triển khai đầu tư cơ sở vật chất cho các trường THPT: Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây), Phạm Kiệt (Ba Tơ) và THPT Trà Bồng. Tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục, phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh DTTS. Nâng cao chất lượng dạy và học đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú hay có học sinh bán trú và thực hiện nội dung xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.

VŨ YẾN