Quảng Nam: Giới thiệu chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến người có uy tín

(Mặt trận) - Sáng ngày 25/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị giới thiệu nghị quyết của Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng vùng Tây của tỉnh cho hơn 100 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Quang cảnh Hội nghị 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và Trưởng ban Dân tộc tỉnh Alăng Mai giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị quyết số 12 (ngày 20.7.2021) của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời giới thiệu Quyết định 3121 (ngày 28.10.2021) của UBND tỉnh về chương trình triển khai Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy; Quyết định 425 (ngày 21.2.2022) của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 37 (ngày 8.12.2021) của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Qua hội nghị giúp người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số có cái nhìn tổng quan về sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua và những định hướng phát triển trong thời gian đến; tiếp tục có những đóng góp quan trọng cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.

 Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng, dân số Quảng Nam hơn 1,5 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số hơn 127 nghìn người (chiếm 7,2%) với 20 dân tộc anh em. Đồng bào các dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa rất đa dạng, phong phú, có truyền thống cần cù, yêu nước, đoàn kết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cùng với các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Kinh tế vùng đồng bào, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao phát triển còn chậm. Nông nghiệp phát triển chưa vững chắc; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thiếu bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Do đó, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào.