Quảng Bình: Nhiều kết quả đạt được trong công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh. Trong đó bao gồm các nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG); nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; nguồn vốn nước ngoài và những nguồn vốn huy động khác, qua đó mang lại nhiều kết quả.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, trong những năm qua, vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, lũ lụt, kinh tế chậm phát triển, mật độ dân cư thưa thớt, điều kiện đất đai khó canh tác, trình độ dân trí tuy có phát triển nhưng không đồng đều, việc tiếp thu chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đo đó đời sống của đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, đồng bào vùng DTTS&MN của tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất và đã giành được nhiều thành tích đáng khích lệ; kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố ngày càng vững mạnh.

 Bà con đồng bào Vân Kiều tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức với mong muốn được có thêm kiến thức về làm du lịch, phát triển kinh tế.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Trong đó bao gồm các nguồn vốn các CTMTQG; nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; nguồn vốn nước ngoài và những nguồn vốn huy động khác.

Các nguồn vốn đầu tư được tập trung ưu tiên cho một số lĩnh vực như: xây dựng cơ bản, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, chuẩn hóa quốc gia y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Công tác quản lý chất lượng công trình, giám sát đầu tư, công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng được quan tâm, đảm bảo phát huy hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện đúng các quy trình, thủ tục về hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề đầy đủ, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, đối với chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các chủ trương chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Đến nay hệ thống trường học đã được xây dựng khá kiên cố, khang trang, Các trang thiết bị phục vụ dạy và học được đầu tư tương đối đồng bộ. Số trường đạt chuẩn Quốc gia ngày càng tăng. Tỷ lệ các cháu mầm non đến trường đạt hơn 93%; tỷ lệ học sinh TH đến trường đúng độ tuổi đạt gần 99%, THCS gần 96%; THPT đạt hơn 63%. Số em học Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2016 - 2022 đã đào tạo, tuyển dụng, bố trí được 240 em vào làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; 136 em vào làm việc ở các trường học và trạm y tế trên địa bàn của tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, đến nay, 100% các xã vùng DTTS&MN đã có Trạm y tế có bác sỹ phục vụ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế; trạm y tế các xã miền núi nhất là các xã đặc biệt khó khăn cũng được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh thiết yếu, do vậy đã thực hiện tốt các mục tiêu Chương trình y tế Quốc gia.

Đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang duy trì các lễ hội như: Lễ hội Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch); Lễ hội Lấp lỗ của đồng bào Vân Kiều ở huyện Lệ Thuỷ, huyện Quảng Ninh; Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa...  Những tập tục lạc hậu ngày càng được đẩy lùi, xóa bỏ.

 Lễ hội Trỉa lúa hay còn gọi là lễ hội Lấp lỗ của đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình).

Theo thống kê, đến nay 64/64 xã miền núi, vùng cao đồng bào DTTS của tỉnh có nhà văn hoá xã; 100% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; có 27 bản đạt danh hiệu "Bản văn hoá", các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì, tổ chức thường xuyên. Giai đoạn 2016-2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã bầu chọn được 738 lượt người có uy tín gồm các thành phần như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng thôn, nhà giáo, nhân sỹ trí thức, người sản xuất kinh doanh giỏi...

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thực hiện giám sát chính sách dân tộc vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cơ bản. Mới đây, tại Hội thảo "Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN khu vực Bắc miền Trung", đơn vị cũng đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục những tồn tại, phát huy kết quả đạt được.

Theo đó, trong thời gian tới, địa phương cần phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vùng DTTS&MN. Xác định hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng để chủ động, tích cực tham gia thực hiện chương trình.

Căn cứ vào tiến độ thực hiện các hoạt động để thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đã được phân bổ nguồn vốn triển khai thực hiện CTMTGQ phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trên cơ sở giám sát, phát hiện và kịp thời kiến nghị xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương trong thực hiện CTMTQG theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Ngoài ra, cần phải coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận ở xã, thôn, bản về hoạt động giám sát, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong thực hiện CTMTQG. Chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc về thực hiện CTMTQG một cách khoa học, sáng tạo và hiệu quả.

Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2­, có 9 xã biên giới với hơn 222 km đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào. Tại Quảng Bình, đồng bào DTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với các dân tộc như Bru - Vân Kiều gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; Dân tộc Chứt với các tộc người Sách, Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng. Đây là hai DTTS có số dân đông nhất, còn lại là các DTTS khác với số dân không nhiều như: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái… Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm 69,52%.

Thành Trung