Quảng Bình: Nhiều hoạt động Mặt trận hướng về đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong những năm qua, MTTQ và các cấp ủy đảng trong tỉnh Quảng Bình đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí; tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung hướng về cơ sở, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Đồng bào dân tộc thiểu số A Rem làm thủ tục vốn vay ưu đãi tại điểm giao dịch xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). 

Đẩy mạnh các nội dung cần thực hiện

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2020-2030 đang được kỳ vọng làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có vùng DTTS, miền núi tỉnh Quảng Bình.

Để từng bước tạo sự thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, UBND tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn để thực hiện là gần 445 tỷ đồng, bao gồm 338 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, gần 26 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đối ứng và các nguồn vốn khác. Nguồn vốn sẽ được đầu tư tập trung vào các dự án phục vụ trực tiếp đến đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào các DTTS, cư dân miền núi. Đồng thời, xây dựng các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…

Từ kinh nghiệm thành công trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc về xây dựng nông thôn mới cho thấy, khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh Quảng Bình xác định những dự án nào góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Trong nguồn vốn được thực hiện theo kế hoạch, tỉnh Quảng Bình sẽ dành 89 tỷ đồng để thực hiện dự án “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”. Đây là những vấn đề lớn, cấp bách mà đồng bào các DTTS đang rất cần. Khi dự án được triển khai và đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt tình trạng du canh du cư, hướng đến một nền sản xuất thâm canh, áp dụng cơ giới hóa và khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình cũng phân bổ gần 59 tỷ đồng để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng cho 11 dự án định canh định cư vùng đồng bào DTTS.

Phát huy vai trò của Mặt trận khi thực hiện chính sách

Để chăm lo tốt hơn đời sống của đồng bào DTTS, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng đồng bào DTTS. Để thực hiện việc này, chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí; tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung hướng về cơ sở, hướng dẫn củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động tại vùng đồng bào DTTS.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình Võ Ngọc Thanh cho biết, trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Nhờ đó, đời sống của đồng bào được cải thiện và từng bước được nâng lên; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, nên bà con rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Các hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và các thôn, bản tại nhiều vùng đồng bào DTTS cơ bản phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân; kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra tại cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới.

“Để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, các cấp ủy đảng cần tiếp tục chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện phụ trách các xã đặc biệt khó khăn, gắn với giúp đỡ, hỗ trợ hoạt động đối với Ban Công tác Mặt trận, các chi hội, chi đoàn tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững để thu hút đoàn viên, hội viên người DTTS; quan tâm, tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng đồng bào DTTS hoạt động hiệu quả…” - ông Thanh nhấn mạnh.

Có thể nói, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, chính quyền và MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp đồng bào DTTS vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhờ đó, ý thức của đồng bào đã có nhiều thay đổi, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng bản làng phát triển, quê hương trù phú.

PHƯƠNG NGUYÊN