(Mặt trận) -Giai đoạn 2011-2021, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ người có uy tín (NCUT). Qua đó góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
|
Ông Lại Văn Hoà (đứng giữa) đang cùng với Trưởng xóm Trại Cau trao chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chè an toàn với người dân (trước ngày 27-4-2021). |
Tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 384.348 người, chiếm 29,87% (theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019).
Trong 10 năm qua, việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá đưa ra khỏi danh sách và bình chọn, xét công nhận bổ sung người có uy tín được tiến hành dân chủ, công khai, đúng quy định. Theo đó, trong 10 năm, trên địa bàn tỉnh đã có gần 9.000 lượt người được bầu chọn là NCUT, riêng năm 2021 có 834 người được bầu là NCUT.
Xác định đội ngũ NCUT là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách với họ.
Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hằng năm, tỉnh phân bổ kinh phí cho cơ quan làm công tác dân tộc để thực hiện các chính sách cho NCUT như: Tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập; thăm hỏi ốm đau, nằm viện; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc; biểu dương, khen thưởng; cấp miễn phí 2 đầu báo (Báo Thái Nguyên, Báo Dân tộc và Phát triển)...
Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với NCUT trong giai đoạn là trên 25,783 tỷ đồng (trong đó, nhân sách Trung ương là 16,811 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 8, 972 tỷ đồng).
Được quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách nên NCUT đã phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc...
Điển hình như ông Lại Văn Hoà, NCUT xóm Trại Cau, xã Cây Thị (Đồng Hỷ). Xóm Trại Cau có 176 hộ với 748 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm trên 90%. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào phát triển nông, lâm nghiệp, năm 2016 xóm vẫn còn gần 100 hộ nghèo và cận nghèo.
Cách đây 3 năm, khi được người dân trong xóm bầu làm NCUT, ông Hoà luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con thoát nghèo. Từ đó, ông cùng với lãnh đạo xóm tích cực tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi 21ha chè trung du sang trồng chè lai F1 và thành lập Làng nghề sản xuất chè an toàn; chăn nuôi lợn với quy mô vừa và nhỏ; đi lao động tại các công ty, nhà máy...
Nhờ đó, đến cuối năm 2020 xóm chỉ còn 15 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Ông Hoà chia sẻ: Hằng năm, tôi được tham gia các lớp tập huấn do huyện, tỉnh tổ chức về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... được cập nhật kiến thức mới và phổ biến, hướng dẫn bà con trong xóm phát triển kinh tế gia đình.
Còn ông Nịnh Văn Sâu, dân tộc Sán Chay, NCUT xóm Đồng Lường, xã Tức Tranh (Phú Lương) lại là một trong những điển hình về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Sinh sống tại địa phương có điệu múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay, ông Sâu đã vận động bà con, tổ chức các lớp truyền dạy điệu múa Tắc xình cho thế hệ trẻ; tái hiện các phong tục như làm bánh, hát Sấng Cọ vào các dịp vui xuân, lễ hội....
Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ các chính sách với NCUT; có kế hoạch cụ thể trong việc phát huy vai trò của NCUT trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức họp mặt, gặp gỡ và bố trí công việc cho NCUT tham gia công tác cùng chính quyền, các đoàn thể chính trị....
Vũ Công