(Mặt trận) -Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV lần này là cho ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, vào năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã có nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Thời gian thực hiện chương trình là 10 năm, được chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030).
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn 5 năm và năm 2021 theo quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp về quy hoạch, đào tạo nghề, xây dựng chuỗi giá trị, khoa học - công nghệ, huy động thêm các nguồn lực từ quốc tế và xã hội để thực hiện chương trình theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất và giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất cho các hộ nghèo, nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù…
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được một nguồn lực rất lớn từ ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, hỗ trợ người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, còn một số bất cập, hạn chế như: công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thật sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt; nguồn lực cân đối từ ngân sách địa phương chưa đồng đều, phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm; năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp huyện, cấp xã còn yếu; thiết kế chính sách đặc thù hỗ trợ công tác giảm nghèo chưa phù hợp đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số…
Mục tiêu quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và các chương trình khác nói chung cần bảo đảm nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; cần ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giải quyết các vấn đề cấp bách, hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước phải trên cơ sở kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, nơi nào triển khai có hiệu quả thật sự cần được ưu tiên để tạo động lực phát triển, nơi nào thực hiện không tốt cần được rút kinh nghiệm, nơi nào để xảy ra thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm… cần phải được xử lý nghiêm minh.
Việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát và phân tích kỹ lưỡng, khoa học và thực hiện theo hướng: thiết thực, cụ thể, đúng đối tượng. Trong đó, việc hỗ trợ nhà ở, đất ở cần ưu tiên, tập trung các hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hộ gia đình sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ chưa có nhà ở, hoặc nhà ở tạm dột nát.
Ưu tiên bố trí vốn cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các xã an toàn khu, xã biên giới thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước... Cần kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định về pháp luật được thực thi nghiêm túc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công.
KHÁNH ĐAN