Phú Yên: Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Theo Ban Dân tộc tỉnh, Phú Yên có 45 xã, thị trấn thuộc vùng miền núi, trong đó huyện Sông Hinh có 11 xã, Sơn Hòa có 14 xã, Đồng Xuân có 11 xã, Tây Hòa có 4 xã, Tuy An có 3 xã, Phú Hòa và thị xã Sông Cầu đều có 1 xã miền núi.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên thăm, tặng quà Người có uy tín tại huyện Sông Hinh

Phân định lại vùng DTTS, miền núi

Vùng DTTS, miền núi của tỉnh có 32 DTTS sinh sống, với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh; chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao… Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa của tỉnh.

Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương rà soát, xác định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, vùng DTTS và miền núi Phú Yên hiện có 23 xã; trong đó 12 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn); 1 xã thuộc khu vực II (xã còn khó khăn) và 10 xã thuộc khu vực I (xã bước đầu phát triển) và 70 thôn đặc biệt khó khăn.

Việc rà soát, phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm minh bạch, trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Triển khai nhiều chương trình, chính sách

Năm 2021, Ban Dân tộc đã phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị định 05/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc; chính sách đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; triển khai thực hiện các đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn II, 2021 - 2025; đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025; tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi Phú Yên kéo dài đến năm 2025; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021…

 Những năm qua, tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. (Trong ảnh: Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS tại Trường mẫu giáo Ea Bia, huyện Sông Hinh)

Nhờ vậy, tình hình KT-XH miền núi và đời sống đồng bào vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh và cả nước. Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi ngày càng phát triển. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, nước sinh hoạt… được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt miền núi, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Theo ông Đặng Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, năm 2021, địa phương đã triển khai, lồng ghép nhiều chương trình, chính sách chăm lo đời sống cho người đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Cụ thể, UBND huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Mở rộng mặt bằng bố trí dân cư thôn 1, thôn 5 thuộc xã Đa Lộc; thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh; thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin năm 2021 kết hợp thăm, tặng quà cho 16 Người có uy tín trên địa bàn huyện…

“Tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt từ 11,5 - 12%; GDP bình quân đầu người đạt từ 20 - 26 triệu đồng/người (trong đó khu vực có người đồng bào DTTS sinh sống đạt gần 18 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế dần dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ. đời sống vật chất, tinh thần của người đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được cải thiện”. Ông Trương Văn Phương Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Địa phương cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn; kiểm tra, giám sát công tác cho vay và hoạt động tín dụng trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS. Từ đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phân bổ chỉ tiêu cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 3,5 tỷ đồng; trong đó, riêng các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi là 1,28 tỷ đồng.

Tương tự, 2 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh cũng phối hợp Ban Dân tộc và các sở, ngành triển khai rất nhiều chương trình, chính sách chăm lo đời sống người đồng bào DTTS và miền núi; giúp cải thiện đời sống bà con miền núi đáng kể.

Anh Nay Y Kem ở buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, bày tỏ: “Năm rồi, do thiên tai, dịch bệnh, đời sống của bà con rất khó khăn. Thế nhưng, khi bị phong tỏa do dịch bệnh thì Nhà nước hỗ trợ thức ăn cho người, rơm rạ cho bò. Lúc trời hạn thì cán bộ cũng hỗ trợ bơm nước cứu lúa. Nhờ vậy, năm nay không bị thiếu ăn, thiếu mặc. Bà con biết ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều!”.

Phát huy hiệu quả

Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, năm mới 2022, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Dân tộc sẽ thường xuyên phối hợp với các địa phương theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chủ động nắm bắt tình hình các địa bàn nhạy cảm về an ninh trật tự; không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ban Dân tộc cũng tích cực triển khai tốt các chương trình, chính sách dân tộc; phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

 Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xã hội, nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Hộ nghèo xã Krông Pa Sơn, huyện Hòa được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò)

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: Ban Dân tộc tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện phát triển KT-XH nói chung và chương trình, dự án, chính sách nói riêng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Ưu tiên vốn và huy động các nguồn lực phối hợp lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng KT-XH thiết yếu vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong đó, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; nâng cao chất lượng đời sống người dân, chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe... Đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt có sự tham gia trực tiếp của người dân vào các hợp phần của chương trình trực tiếp hưởng lợi. Tổ chức lấy ý kiến người dân ngay từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn danh mục cần đầu tư, nhất là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Ban Dân tộc cũng phối hợp với các địa phương, Mặt trận và đoàn thể thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình kết quả thực hiện kế hoạch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu đề án, dự án, chính sách dân tộc có liên quan đến vùng DTTS và miền núi. Kịp thời nắm bắt tình hình trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là người đồng bào các DTTS và miền núi của tỉnh. Năm mới 2022, cùng với các ban ngành, địa phương, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách để giúp ổn định và nâng cao đời sống bà con nơi đây./.

Thu Hằng