Phú Yên: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân miền núi

(Mặt trận) -Chương trình tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho bà con đồng bào DTTS được Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên tổ chức hàng năm. Hoạt động này còn giúp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình).

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Cảnh giác với ma túy

Một trong những nội dung trọng yếu của chương trình tập huấn là tuyên truyền một số điều về Luật Phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy; nâng cao ý thức người dân về việc nhận biết, phòng ngừa và chủ động tố giác tội phạm ma túy trong cộng đồng người đồng bào DTTS-MN.

Tham gia buổi tập huấn, trung tá Trần Khải Điền, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC04, Công an tỉnh đã chia sẻ với bà con về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại các vùng đồng bào DTTS-MN, các đối tượng xấu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con để dụ dỗ, lôi kéo người dân, nhất là học sinh, người chưa đủ tuổi thành niên mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy. Phức tạp hơn là sự xuất hiện các đối tượng lợi dụng các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình phức tạp để trồng cây thuốc phiện.

Cuối tháng 3/2022, Công an huyện Sông Hinh triệt phá một nhóm đối tượng trồng gần 2.000 cây thuốc phiện trái phép trên diện tích gần 1.000mở núi Hòn Cồ, xã Ea Trol. Từ vụ việc này, các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giúp bà con nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước sự lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ xấu. Thông qua đó, lực lượng chức năng cũng kêu gọi người dân chủ động nhận biết, tố giác những đối tượng có hành vi trồng, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.

Ma HLin ở buôn Học, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), cho biết: Năm nào các cán bộ cũng tuyên truyền người dân về tệ nạn ma túy nên bà con cảnh giác lắm. Chúng tôi nhận thức rất rõ, ma túy chỉ làm hại người dân thôi. Sử dụng và buôn bán ma túy chỉ có nghèo đói và đi tù. Bây giờ ở buôn mà xuất hiện người xấu, dụ dỗ sử dụng ma túy là bị bà con tố cáo ngay.

 Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền về tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình cho người dân xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh. Ảnh: NGÔ XUÂN

Người dân chủ động tiếp cận Chương trình

Một nội dung khác được phần lớn bà con nhân dân quan tâm khi tham gia các buổi tập huấn là được tìm hiểu về Chương trình. Bởi lẽ, chương trình này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của rất nhiều người dân miền núi.

Chú ý lắng nghe các nội dung được trình bày trong buổi tập huấn, Ma Lưn, Bí thư chi bộ, Trưởng buôn Học, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, bày tỏ: Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ mà đời sống người đồng bào DTTS ở Ea Lâm được cải thiện rất nhiều; số hộ nghèo ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2022, buôn Học có 11 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo; đến năm 2023 giảm còn 7 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Kết quả này có được là nhờ có các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho người đồng bào DTTS-MN. Hiện nay, người dân rất quan tâm đến các hạng mục, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đang triển khai. Bản thân tôi cũng cập nhật Chương trình từng ngày để truyền đạt lại cho bà con trong buôn. Mong rằng các chương trình, chính sách sớm được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng để cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Chị Kpá Hờ Rư ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, nói: Năm 2019, gia đình tôi được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, tưởng chừng đã thoát nghèo, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn luôn đeo bám. Vừa trả hết tiền nợ xây nhà thì đứa con lớn bị tai nạn giao thông, đứa nhỏ được phát hiện bị dị tật bẩm sinh, làm kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Bây giờ không có bò, không có đất sản xuất, vợ chồng tôi chỉ biết đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Tôi đang chủ động tìm hiểu và mong muốn được tiếp cận Chương trình để được hỗ trợ vốn làm ăn, nỗ lực thoát nghèo.

Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Chương trình tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS-MN được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người đồng bào DTTS-MN; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ làm công tác dân tộc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai, giám sát thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc một cách công khai, minh bạch và hiệu quả; đảm bảo quyền lợi cho mỗi người dân được thụ hưởng Chương trình.

 NGÔ XUÂN