Phú Yên: Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Đó là nhìn nhận của đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên Đỗ Thị Như Tình làm trưởng đoàn sau khi tiến hành giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun trao đổi với đoàn giám sát về việc triển khai Chương trình 1719 trên địa bàn huyện.

Giải quyết vấn đề bức thiết

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự án 1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719). Sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã tạo động lực giúp người dân các khu vực khó khăn có điều kiện xóa nhà tạm.

Cuối năm 2023, gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn 1, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) được nghiệm thu, bàn giao ngôi nhà mới kiên cố, khang trang với kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng. Là hộ nghèo của địa phương, nhiều năm qua, vợ chồng người dân tộc Ba Na này sống trong ngôi nhà cũ kỹ mà chưa có điều kiện làm mới.

Khi Chương trình 1719 được triển khai, cùng với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng, anh Minh mạnh dạn vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà mới trên nền đất cũ. Ngôi nhà mới vững chãi đã tiếp thêm động lực để vợ chồng anh nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Gia đình anh Minh chỉ là một trong 200 gia đình được Chương trình 1719 hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Đồng Xuân trong 3 năm qua (2022-2024). Ngoài nhà ở, nước sạch, chuyển đổi nghề, đất ở cũng là những yêu cầu bức thiết của người dân vùng DTTS và miền núi được quan tâm hỗ trợ.

Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Giai đoạn 2022-2023, huyện đã có 3 công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng và nâng cấp, sửa chữa bằng nguồn vốn Chương trình 1719 và đã nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Trong đó, xã Xuân Quang 1 có 2 công trình ở thôn Phú Tâm, với 206 hộ dân được thụ hưởng; xã Phú Mỡ 1 công trình, với 66 hộ dân ở thôn Phú Hải được thụ hưởng. Huyện cũng thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại xã Phú Mỡ và xã Xuân Lãnh, với 43 hộ dân được thụ hưởng.

Về hỗ trợ chuyển đổi nghề, vì chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất nên những hộ đang thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề; nội dung hỗ trợ là mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Đối với những hộ đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi, UBND huyện tạo điều kiện để họ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ 40-80 triệu đồng để mua nông cụ sản xuất, mua bò sinh sản...

Đối với quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, huyện đã thực hiện 3 dự án, gồm: Dự án mở rộng mặt bằng khu dân cư làng Bà Đẩu, thôn Phú Tâm; Dự án điện thắp sáng khu dân cư thôn 1, xã Đa Lộc; Dự án mở rộng dân cư thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh, với số hộ dân được bố trí sắp xếp ổn định dân cư là 56 hộ.

Đối với huyện Sông Hinh, ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện này cho hay: Hiện nay, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024) trên địa bàn huyện Sông Hinh là hơn 148 tỉ đồng, tập trung thực hiện 10 thành phần dự án và tiểu dự án trên địa bàn 10 xã, thị trấn.

Đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng 108 nhà ở với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách trung ương 4,32 tỉ đồng, ngân sách địa phương 214 triệu đồng; hỗ trợ về nước sinh hoạt phân tán cho 447 hộ, kinh phí thực hiện hơn 1,34 tỉ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 88 hộ, kinh phí thực hiện hơn 1,25 tỉ đồng.

Địa phương cũng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, 38 công trình đường giao thông, rãnh thoát nước, trường học, sân vận động; đầu tư hỗ trợ thiết chế văn hóa tập trung ở các xã vùng đồng bào DTTS; kinh phí thực hiện hỗ trợ phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 66 tỉ đồng. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, con em vùng DTTS và miền núi luôn được quan tâm và hằng năm được ưu tiên nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng...

Còn tại huyện Sơn Hòa, 3 năm qua, Chương trình 1719 đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của cán bộ và người dân trên địa bàn huyện, bộ mặt miền núi, vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân.

Tỉ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS/tổng hộ nghèo toàn huyện giảm 4,33% (từ 92,04% năm 2021 đến nay còn 87,71%); 100% xã và trên 98,8% thôn, buôn có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; tỉ lệ người dân sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh chiếm từ 90% trở lên. Hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, nhiều hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán…, đời sống của người dân ngày một nâng lên.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS

Theo bà Đỗ Thị Như Tình, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi với chủ trương nhất quán, đẩy nhanh phát triển về mọi mặt. Từ chủ trương đó, nhiều chính sách lớn về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành.

 Được Chương trình 1719 hỗ trợ kinh phí, anh Nguyễn Văn Minh (thứ hai từ phải qua) ở thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân đã xây dựng được căn nhà khang trang, kiên cố.

Hiệu quả của các chính sách giúp đồng bào DTTS phát triển thời gian qua phải kể tới Chương trình 1719. Đây là chương trình mang tính tổng thể đang phát huy các nguồn lực, tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

“Qua giám sát cho thấy, từ năm 2023 đến nay, các nội dung thành phần của chương trình đã đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống KT-XH. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng dự án”, bà Tình nói.

Tuy nhiên, theo trưởng đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, để hoàn thành tất cả mục tiêu, kế hoạch đặt ra đang là bài toán khó đối với các địa phương, bởi trong quá trình triển khai phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay mà các địa phương đang gặp phải đó là việc triển khai giải ngân vốn sự nghiệp thuộc chương trình, vì dự toán kinh phí năm 2024 bao gồm cả dự toán kinh phí năm 2022, năm 2023 chuyển sang của các dự án, tiểu dự án không còn đối tượng thực hiện và không thực hiện được với kinh phí rất lớn.

Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh Phú Yên và nghị quyết của HĐND huyện về điều chỉnh kinh phí sự nghiệp thuộc chương trình, đến nay, UBND các huyện đã có quyết định điều chỉnh vốn sự nghiệp theo Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội và đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Song với kinh phí rất lớn, trong khi thời gian triển khai vào những tháng cuối năm rơi vào mùa mưa lũ và phải thực hiện thủ tục đấu thầu đối với các dự án có mức vốn đầu tư trên 100 triệu đồng, nên đây là khó khăn và áp lực lớn nhất liên quan đến giải ngân vốn sự nghiệp trong những tháng cuối năm 2024.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên Đỗ Thị Như Tình cho biết: Nhờ nguồn vốn từ Chương trình 1719, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh có căn cứ quan trọng để xây dựng, hoạch định, giám sát thực hiện công tác dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực để người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đoàn kết, xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc.

 THÚY HẰNG