Phú Thọ: Tạo sức bật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) tại tỉnh Phú Thọ đã phát huy tối đa hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào DTTS.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh Phú Thọ đã tập trung giải quyết triệt để nhu cầu về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Phương Thúy.

Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Phú Thọ đã tập trung các nguồn lực nhằm mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn được phân bổ, các địa phương đã ưu tiên hỗ trợ đồng bào tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về đất ở, nhà ở, đất sản xuất để tạo điều kiện giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Lập đã triển khai đồng bộ 10 dự án của Chương trình MTQG 1719, với tổng vốn đầu tư trên 264 tỷ đồng. Huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; giải quyết nhu cầu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo sinh kế; hỗ trợ đào tạo nghề; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại các xóm, bản. Từ năm 2023 đến nay, Yên Lập đã hỗ trợ 70 hộ dân xây mới nhà ở; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 302 người; có hơn 1.000 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán...

Cùng với việc hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt từ nguồn vốn thuộc Dự án 1, huyện Yên Lập đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 127 hộ có nhu cầu được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Sau khi quyết định ban hành, Phòng Dân tộc huyện đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã tổ chức triển khai cho các hộ thuộc đối tượng được phê duyệt thực hiện các bước tiếp theo của Chương trình, đảm bảo đúng với quy định về từng nội dung hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các hộ dân thuộc đối tượng hỗ trợ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đang làm nhà trên đất nông nghiệp; hỗ trợ người dân trong công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn tại huyện Thanh Sơn, nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, những năm gần đây, diện mạo vùng đồng bào DTTS đã có bước chuyển mạnh mẽ. Trong 2 năm gần đây toàn huyện đã giải ngân nguồn vốn 219 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 159 công trình hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.879 hộ dân; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại xã Khả Cửu; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với hàng trăm mô hình kinh tế đồi rừng quy mô lớn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Thanh Sơn giảm còn xấp xỉ 7,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo chỉ còn trên 7,6%

Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn 2021 - 2025, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ Cầm Hà Chung cho biết, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc dự án, tiểu dự án; đồng thời tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự án nếu phát sinh tăng hoặc giảm để đảm bảo các dự án được đầu tư hiệu quả.

Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ đề xuất trình Chính phủ cho phép tỉnh điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của địa phương khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 và các chính sách khác liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và miền núi.

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào mỗi năm giảm 2%/năm. Tỉnh đặt mục tiêu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bêtông hóa; trên 80% thôn, bản vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

Anh Vũ