(Mặt trận) -Những năm qua, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động, linh hoạt với những giải pháp đặc thù của mỗi địa phương tỉnh Phú Thọ, cơ sở vật chất hạ tầng ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được đầu tư mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
|
Trường THCS xã Đông Cửu đang được đầu tư xây dựng. |
Đông Cửu là địa bàn xã miền núi vùng cao của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên trên 3.668ha, đồng bào DTTS chiếm tới 97%. Thời gian qua, Đông Cửu tiếp tục được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và miền núi. Đồng chí Hà Văn Cách- Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nơi đây các công trình đường giao thông nông thôn, điện lưới, hạ tầng số, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế đã được quan tâm đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương có bước tăng trưởng khá.
Từ cuối năm 2021 đến nay, xã được huyện Thanh Sơn tiếp tục quan tâm huy động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó làm mới 1.700m đường bê tông nông thôn, xây dựng nhà lớp học Trường THCS và chuẩn bị khởi công dự án đường xóm Bư đi xóm Cốc, đường xóm Cạn đi xóm Vừn Muỗng, đường từ xã Khả Cửu vào trung tâm xã Đông Cửu... Đây là một trong những động lực cho các vấn đề hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Là huyện miền núi với kinh tế- xã hội phát triển chưa đồng đều, còn nhiều khó khăn, huyện Thanh Sơn đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các địa phương nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các xã. Trên 5.800 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư mà huyện đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020. Hai năm đầu của giai đoạn 2020-2025, Thanh Sơn đã huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hơn 3,5 nghìn tỉ đồng, triển khai 159 công trình. Huyện đã làm mới trên 12km đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp trên 159km đường, tỉ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên toàn huyện đạt 75%; xây mới 46 chiếc cầu, làm mới bảy tràn, 241 công trình thủy lợi đầu mối, trên 433km kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất, 69/77 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia…
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tổng huy động nguồn lực trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 hơn 5.011 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 636 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.492 tỉ đồng, tín dụng trên 1.245 tỉ đồng, huy động và lồng ghép gần 1.638 tỉ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó đặt mục tiêu 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...
Đồng chí Trịnh Thế Truyền - TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch & ĐT cho biết: Trên 3.612 tỉ đồng là tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện CTMTQG trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho Chương trình này là gần 1.238 tỉ đồng, đã giải ngân trên 27% tính đến cuối tháng 10/2022. Đây là một trong những điều kiện, động lực mới để các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi thay diện mạo, bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn miền núi.
Việc các địa phương quyết liệt vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện các CTMTQG trên địa bàn sẽ góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ngọc Tuấn