Phú Thọ: Phát huy vai trò của người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa

(Mặt trận) -Trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hiện có 207 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), họ luôn là tấm gương sáng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên người thân và bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tham gia tích cực vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Từ sự vận động của người có uy tín, nhiều người dân xã Hương Cần đã tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, người có uy tín đã phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tích cực đi đầu trong việc động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, vận động đồng bào tham gia quỹ khuyến học, xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học, góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ dân trí cho đồng bào DTTS; vận động nhân dân quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa, phát huy, giữ gìn phong tục, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, cùng chung sức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, các món ăn, bài thuốc và nghệ thuật trình diễn dân gian.

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mường ở xóm Gò Tre, xã Cự Thắng, ông Đinh Văn Lại đã vận động người dân giữ gìn tiếng nói, trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc. Ông Lại chia sẻ: “Tôi rất yêu văn hóa của dân tộc mình và mong muốn thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó vận động người dân trong khu dạy tiếng Mường, nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc cho các cháu nhỏ để giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần để xây dựng đội cồng chiêng, CLB văn hóa dân tộc Mường của xóm Gò Tre là nòng cốt cho CLB cồng chiêng, CLB văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác của xã Cự Thắng.

Không chỉ ông Lại mà rất nhiều người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Thanh Sơn đã trực tiếp tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vận động người dân trong khu tham gia tích cực thực hiện Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025 như các ông: Triệu Tiến Phúc ở xóm Liên Thành, xã Võ Miếu, Phùng Đức Hòa, xã Hương Cần, Lý Văn Minh ở xã Cự Thắng... Từ sự vận động của người có uy tín, người dân trong huyện đã tích cực tham gia vào CLB văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác, thường xuyên diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, hát ví, múa trống đu... trong những ngày lễ hội, ngày Tết, góp phần phục dựng một số lễ hội, các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, là “cầu nối” để quảng bá hình ảnh địa phương cho du khách trong và ngoài huyện, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện.

Đến nay, toàn huyện có 136 CLB văn hóa dân tộc Mường và CLB văn hóa các dân tộc, bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục truyền thống, 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường; 84 khu dân cư có từ 50% đồng bào dân tộc Mường trở lên thành lập CLB văn hóa dân tộc Mường, 22 trường học có từ 50% học sinh, giáo viên là người dân tộc Mường và DTTS khác thành lập CLB... Kết quả đó có sự đóng góp lớn của người có uy tín trong đồng bào DTTS vận động và tham gia hướng dẫn, truyền dạy để người dân trong huyện nâng cao nhận thức, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguyên An