Phú Thọ: Đổi thay từ chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Những năm qua, các chương trình, chính sách, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 được thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế của bà con. Qua đó, không chỉ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS trên toàn tỉnh Phú Thọ mà còn làm thay đổi diện mạo vùng miền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Chương trình MTQG 1719 là “chìa khóa” giúp đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn vươn lên thoát nghèo

Bình Thuận: Chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lãnh đạo xã Lương Sơn, huyện Yên Lập triển khai các chính sách dân tộc về nông nghiệp đến đồng bào DTTS trên địa bàn. 

Diện mạo khởi sắc

Từ một trong 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập, với đặc thù 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường, đến nay, xã Lương Sơn đã khoác lên mình diện mạo mới với cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Giai đoạn 2020-2024, địa phương đã được thụ hưởng hơn 56 tỷ đồng thông qua Chương trình MTQG và các chính sách, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi về nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu... Trong đó, hơn 19km đường giao thông liên vùng, liên xã, liên thôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hoàn thiện sớm đã tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: "Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các Chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào DTTS miền núi và từ nguồn xã hội hóa tại địa phương, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng Đảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã cơ bản đảm bảo tiến độ. Đến nay, Lương Sơn đã hoàn thành 53/57 chỉ tiêu, đạt 17/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng bình quân 3 năm đạt 12,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2023, đạt 55,7 triệu đồng/người/năm... Đây là bước đệm quan trọng để chúng tôi phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí trong lộ trình cán đích NTM vào cuối năm nay".

Huyện miền núi Yên Lập hiện có 80% dân số là đồng bào DTTS với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 74%, dân tộc Dao chiếm 5,1%. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Yên Lập đã triển khai hiệu quả Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách về nhà ở, vay vốn tín dụng, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giảm nghèo... với tổng số vốn đầu tư là hơn 422 tỷ đồng ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có trên 372 tỷ đồng thuộc nguồn ngân sách Trung ương, phần còn lại trích từ ngân sách địa phương.

Đồng chí Đinh Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập khẳng định: "Nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn huyện thực sự là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS. Đến nay, các xã Lương Sơn, Xuân Viên, Đồng Thịnh đã cơ bản đủ tiêu chí ra khỏi xã đặc biệt khó khăn; các địa phương khác như: Mỹ Lung, Mỹ Lương, Xuân An, Phúc Khánh cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phân bổ nguồn kinh phí còn lại để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương đối với vùng đồng bào DTTS".

Có thể thấy, các chương trình, chính sách, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi theo chủ chương của Đảng, Nhà nước được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo các xóm, bản, làng vùng cao, các huyện miền núi khi tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ công tác đào tạo nghề, tạo việc làm; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và tạo sinh kế cho đồng bào DTTS để từng bước giảm nghèo bền vững.

 Công trình xây dựng cầu vượt lũ Suối Cái ở xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024 đã khắc phục hoàn toàn tình trạng bị cô lập trong mùa mưa lũ, giúp đồng bào DTTS tại địa phương đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.

Tạo sức bật cho các huyện miền núi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 dân tộc cùng chung sống với trên 260.000 người là DTTS, chiếm 17% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III và 240 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi. Trong những năm qua, cùng với ngân sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã bố trí nhiều nguồn lực, tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư trên 3.612 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với các dự án tập trung vào công tác đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, cũng như phát triển các ngành nông nghiệp bền vững và hỗ trợ giáo dục đào tạo... Đối với Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025, nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh là trên 1.177 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2024, đã giải ngân trên 574 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 453 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là trên 120 tỷ đồng.

Nhìn chung, các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đều đạt so với kế hoạch đề ra. Đến nay, 100% các xã, 99% các thôn ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông; 100% các thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 99,77% tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới; 96,56% tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Bên cạnh đó, có 183 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS được hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, trong đó có 92 công trình giao thông, 3 công trình thủy lợi, 19 công trình trường học và 1 công trình y tế và 65 nhà sinh hoạt cộng đồng, góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng chí Hà Văn Thịnh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Để thực hiện các chính sách dân tộc một cách nhất quán, đồng bộ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các nguồn lực đầu tư đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh; sớm sửa đổi, bổ sung, thay thế các nghị định, thông tư để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Đồng thời, sớm ban hành quy định phân định lại vùng DTTS và miền núi, nhất là đối với các xã miền núi, vùng cao không đủ tiêu chí 15% người DTTS để có cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Có thể khẳng định, việc triển khai các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đến nay đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Từ đó, Nhân dân các dân tộc tiếp tục tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Q.Đ