Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Phú Thọ đã đạt hiệu quả bước đầu, góp phần làm thay đổi diện mạo các xóm, bản. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đường giao thông trên địa bàn huyện Thanh Sơn được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Ảnh: Thanh Nhàn

Tỉnh Phú Thọ có đa DTTS cùng sinh sống, chiếm trên 17% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Thủy. Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện các dự án của Chương trình MTQG 1719, trong đó tập trung vào hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, tạo động lực giúp đồng bào thoát nghèo. Theo đó, tỉnh Phú Thọ cũng chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, nhóm đồng bào DTTS khó khăn; tập trung cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; triển khai rà soát, thống kê nhu cầu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo đúng đối tượng, quy định.

Thực hiện các nội dung của dự án, nhiều địa phương trên địa bàn trong diện được thụ hưởng đã tích cực triển khai. Điển hình như tại huyện Tân Sơn. Hiện, toàn huyện có 83% đồng bào DTTS sinh sống tại 17 xã, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, Mông. Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết, căn cứ những quy định, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, huyện Tân Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Dân tộc phối hợp rà soát, xác định mức bình quân đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào DTTS và miền núi với từng loại đất sản xuất theo quy định. Để thực hiện nội dung trên, UBND các xã thực hiện rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo sơ bộ các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất thực hiện dự án 1 của Chương trình. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ theo quy định”.

Tương tự, tại huyện miền núi Thanh Sơn, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó người DTTS chiếm hơn 61%, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Bà Đỗ Thị Phương Hoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Giai đoạn 2022 - 2023, Thanh Sơn được phân bổ 219 tỉ đồng triển khai chương trình MTQG 1719. Từ nguồn kinh phí trên, kết hợp lồng ghép với nguồn kinh phí từ các Chương trình MTQG khác, huyện đã đầu tư xây dựng trên 159 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, làm mới trên 12km đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp trên 159km đường, cứng hóa đường giao thông nông thôn trên toàn huyện đạt 75%; xây mới 46 chiếc cầu, làm mới bảy tràn, 241 công trình thủy lợi đầu mối… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, trong năm 2024, Phú Thọ phấn đấu 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...

Chia sẻ vấn đề này, ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc dự án, tiểu dự án; xác định kinh phí, đề xuất phương án, đồng thời tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự án nếu phát sinh tăng hoặc giảm để đảm bảo các dự án được đầu tư hiệu quả. Đơn vị đề xuất trình Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của địa phương khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 và các chính sách khác liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và miền núi.

Thanh Giang